Bích Ngọc ·
9 tuần trước
 9977

Tòa tuyên án Sacombank phải trả gần 47 tỷ đồng kèm lãi cho khách hàng

Mới đây, tòa tuyên án Sacombank phải trả cho khách gửi tại ngân hàng nhưng "bỗng dưng bị mất" số tiền gần 47 tỷ đồng cùng tiền lãi và bồi thường.

Hôm qua (ngày 4/7), TAND thành phố Cam Ranh đã tuyên án vụ bà Hồ Thị Thùy Dương kiện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank), yêu cầu trả lại toàn bộ số tiền đã gửi cùng tiền lãi phát sinh. Bà Dương đã ủy quyền cho chồng là ông Lê Quang Vinh tham gia phiên tòa.

Hốt hoảng vì bỗng dưng mất hết tiền trong tài khoản

Theo đơn khởi kiện, thời điểm giữa năm 2022, tài khoản của bà Dương mở tại Phòng giao dịch Cam Ranh của Sacombank "bỗng dưng mất gần 47 tỷ đồng". Khi kiểm tra, bà Dương phát hiện có tổng cộng 12 giao dịch rút số tiền trên, trong đó 9 lần rút tiền mặt trong khung giờ 18h-21h (ngoài giờ hành chính), 3 lần chuyển khoản mà bà Dương không biết người nhận.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Bà Dương cho biết, các giao dịch trên không phải mình thực hiện, gia đình bà  vào thời điểm đó đang đi du lịch Phú Quốc. Mặc dù đã nhiều lần làm việc với ngân hàng thế nhưng vẫn không đạt được yêu cầu, do đó vợ chồng bà đã quyết định gửi đơn cầu cứu đến Cục Cảnh sát Hình sự và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).

Đến tháng 4 năm 2023, Sacombank đã làm việc với vợ chồng bà, ngân hàng này đồng ý hoàn trả 20 tỷ đồng (trong tổng số gần 47 tỷ đồng bà Dương đòi) nhưng lại yêu cầu phải đưa 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại tòa, ông Vinh giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Sacombank phải hoàn trả lại 26,9 tỷ đồng bị mất (đã trừ 20 tỷ đồng phía ngân hàng trả hồi tháng 4 năm 2023), cùng với một số khoản lãi. Tổng số tiền ông Vinh yêu cầu ngân hàng phải trả là hơn 36 tỷ đồng.

Đại diện Sacombank đã bác bỏ tất cả yêu cầu của vợ chồng ông Vinh và cho rằng 12 chứng từ rút gần 47 tỷ đồng đều có chữ ký của bà Dương. Tất cả các tài liệu này đã được ngân hàng chuyển giao cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa. Kết quả trưng cầu giám định cho thấy các chữ ký này là của bà Hồ Thị Thùy Dương.

Đáng chú ý, phía Sacombank còn cho rằng 20 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản bà Dương  không phải do ngân hàng sai nên hoàn trả mà chỉ là ngân hàng tạm chi theo đơn đề nghị của khách hàng. 

Về các giao dịch ngoài giờ hành chính, Sacombank giải thích rằng đây là việc hỗ trợ và phục vụ khách hàng.

HĐXX đã đề nghị Sacombank cung cấp các chứng cứ như hình ảnh, chứng minh việc bà Dương có mặt tại Phòng giao dịch Cam Ranh để thực hiện 12 giao dịch trên, thế nhưng Sacombank chưa cung cấp.

Về chữ ký của bà Dương trong các chứng từ rút tiền, ông Vinh cho hay, bà Dương đã bị cán bộ ngân hàng "gài" ký 12 giao dịch khi hoàn thiện hợp đồng vay 5 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Cam Ranh. ông Vinh trình bày tại tòa rằng giấy tờ được ký hợp thức hóa sau khi tiền trong tài khoản của vợ ông đã được rút trước đó 2 tháng.

Trong phần tranh luận, đại diện Sacombank cho rằng vụ kiện này có liên quan đến vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh, do đó cần được xem xét sau khi vụ án hình sự trên được đưa ra xét xử để tránh chồng chéo, xung đột. Từ đó, luật sư đề nghị tòa dừng xét xử vụ kiện; bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Trả lời vấn đề trên, tòa cho rằng gia đình bà Dương chỉ là người “có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” đến vụ án hình sự, do đó việc bà yêu cầu Sacombank trả lại tiền cho trong vụ án dân sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án “Tham ô tài sản” của nhân viên ngân hàng.

Lỗi thuộc về Sacombank

Sau một ngày nghị án, HĐXX đã xác định các tài liệu, chứng cứ thể hiện lỗi thuộc về Sacombank.

Đối với việc đại diện Sacombank cho rằng nguyên đơn cung cấp 12 chứng từ chứng minh số tiền gần 47 tỷ đồng bị rút là bản sao nên không có hiệu lực pháp lý, tòa cho rằng các tài liệu này đã được thể hiện trong bản kết luận điều tra của Công an tỉnh Khánh Hòa và các tài liệu chính ngân hàng cung cấp. Chính vì vậy, các tài liệu mà nguyên đơn cung cấp là đúng.

Bên cạnh đó, chủ tài khoản là bà Hồ Thị Thùy Dương không thực hiện việc rút tiền mặt và chuyển khoản số tiền gần 47 tỷ đồng trong tài khoản của mình. Trong 12 giao dịch, có hai giao dịch diễn ra từ ngày 13 và 15/6/2022 không thể do bà Dương thực hiện bởi thời điểm đó gia đình bà Dương đang đi du lịch ở Phú Quốc và có những bằng chứng xác nhận cụ thể từ phía công ty du lịch.

Về quy trình rút tiền trong tài khoản của bà Dương, tòa xác định việc rút tiền không có chính chủ tài khoản có mặt tại trụ sở phòng giao dịch, thực hiện ngoài giờ quy định, chuyển khoản với số tiền vượt quá hạn mức cho phép và mang chứng từ ra khỏi trụ sở ngân hàng trái quy định. Vì thế, ngân hàng Sacombank phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra cho khách hàng.

Đồng thời, HĐXX cũng cho rằng, việc “bỗng dưng mất tiền” này đã gây ra cho gia đình bà Dương nhiều tổn thất về vật chất và tinh thần, làm đình trệ kinh doanh, mất mối làm ăn, tốn nhiều thời gian đi lại để đòi tiền. Việc nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tương ứng với lãi suất gửi tiền là 5% (đối với số tiền gần 47 tỷ đồng) là có cơ sở.

Chính vì vậy, tòa chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc ngân hàng phải trả cho bà Dương số tiền gốc gần là 47 tỷ đồng (ngân hàng đã tạm chi trước 20 tỷ đồng, còn lại số tiền gần 27 tỷ đồng phải trả) và số tiền lãi chậm trả tổng cộng hơn 7 tỷ đồng cùng số tiền bồi thường thiệt hại 2,3 tỷ đồng.

Tòa cũng buộc Sacombank phải giao lại cho bà Dương 2 bản chính các giấy chứng nhận sử dụng đất mà ngân hàng này đã giữ trước đó. Theo bản án sơ thẩm cho biết, ngân hàng là pháp nhân, hoạt động theo quy định của pháp luật, chỉ được niêm phong giữ giấy tờ cá nhân dựa trên hồ sơ vay vốn, liên quan đến cho vay...

Sau vụ việc trên, liệu niềm tin của khách hàng đối với Sacombank có bị giảm sút? Người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng là có mong muốn số tiền của mình được an toàn tuyệt đối, trong rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam, khách hàng đã chọn ra một ngân hàng mình tin tưởng nhất để giao tiền thế nhưng lại không được như mong muốn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của một ngân hàng mà rất có thể sẽ làm liên lụy đến những ngân hàng khác khi người dân mất niềm tin vào ngân hàng. Cần nhớ rằng, việc duy trì niềm tin của khách hàng là vô cùng quan trọng để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính. Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn của ngân hàng. Nếu khủng hoảng xảy ra thì hệ thống ngân hàng có thể gánh chịu hậu quả nặng nề và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế quốc gia.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8050051758387843