Bích Ngọc ·
17 tuần trước
 10253

Trong năm 2023, VND mất giá bao nhiêu phần trăm?

Năm 2023, giá trị VND tiếp tục được giữ vững, chỉ mất giá khoảng 2%. Trong khi đó, đồng tiền của những quốc gia nằm trong G7 mất giá từ 12-17%.

Thông tin này được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra sáng nay (ngày 3/1).

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, tính đến cuối năm 2023, so với năm 2022 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5%, con số này thấp hơn so với mục tiêu đề ra là từ 14 - 15%. Tuy vậy, đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn thấp.

Với mức tăng trưởng trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2023 ngành ngân hàng đã cung ứng thêm cho nền kinh tế khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Ông Tú cũng nhấn mạnh rằng đây là con số rất lớn.

Về nhiệm vụ năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15%, và khác các năm trước là giao rải rác, năm nay Ngân hàng Nhà nước phân bổ hết ngay từ đầu năm.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Với mức tăng trưởng này, ông Tú cho biết, sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được bơm  ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng.

Cũng theo ông Tú, đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng không chỉ 15% mà có thể là 16%.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo chủ trương của Chính phủ.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm rằng nhà điều hành sẽ  cân đối để một mặt khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo nợ xấu được phản ánh khách quan, tránh nợ xấu âm ỉ trong nền kinh tế.

Về nhiệm vụ năm 2024, bên cạnh việc điều hành hiệu quả lãi suất, tỷ giá và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng nhà nước sẽ quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thông tin, đến nay hệ thống ngân hàng được đảm bảo an toàn. Tất cả các ngân hàng 0 đồng, ngân hàng SCB đang hoạt động ổn định.

Nói riêng về ngân hàng SCB, ông Tú cho biết đây là lần đầu tiên có ngân hàng yếu kém quy mô lớn. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý từng bước. Bước đầu là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, tiếp theo là duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng. Năm 2024, trong việc xử lý ngân hàng yếu kém sẽ quyết liệt hơn.

Ngân hàng Nhà nước kiểm tra đột xuất việc chấp hành chính sách tiền tệ ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 17/2023 quy định về kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, về tiền tệ và ngân hàng.

Thông tư này quy định về kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, ngoại hối và phòng, chống rửa tiền (sau đây gọi là tiền tệ và ngân hàng) đối với đối tượng kiểm tra.

Đối tượng áp dụng đối với các cơ quan trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hoạt động ngân hàng, đồng thời cũng áp dụng đối với cả các tổ chức có hoạt động ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng; tổ chức hoạt động thông tin tín dụng; tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.

Mục đích kiểm tra là để xem xét, đánh giá thông tin, số liệu, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra nhằm đảm bảo đầy đủ, chính xác, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Cùng với đó, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng nếu cần thiết. Góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng.

Kiểm tra được tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất, đảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra giữa hoạt động kiểm tra của các đơn vị kiểm tra, giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra. Đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở yêu cầu, đề nghị, phản ánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức, cá nhân hoặc khi có yêu cầu, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao thủ trưởng các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước ký thừa lệnh kế hoạch kiểm tra hàng năm. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 15/12 hàng năm, gửi kế hoạch kiểm tra đã được ban hành cho các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 25/12 hàng năm, đảm bảo không trùng lặp với kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch kiểm tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho năm đó.

Kế hoạch kiểm tra hàng năm có thể sửa đổi và bổ sung khi cần thiết. Thông tư trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/2.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7254006847992342/?