Thành Phong ·
35 tuần trước
 8917

Tuyên Quang: Cận cảnh hoạt động khai thác cát gần bờ gây ô nhiễm, sạt lở bờ sông

Các đối tượng cắm thẳng tàu cuốc vào bãi bồi sông Lô đoạn chảy qua khu vực thôn Sài Lĩnh khai thác cát sỏi, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng hành lang bảo vệ đê điều, đe dọa tới thân đê, gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường,...

Ngày 9/6, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành văn bản số 2488/UBND-KT 9/6/2023 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Theo nội dung văn bản số 2488, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan tại mục kính gửi theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về khoáng sản, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời thực hiện một số nội dung sau:

Trước tỉnh trạng sạt lở lòng sông, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ra văn bản 2488 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công suất khai thác của các mỏ cát, sỏi trên địa bàn. Việc cấp phép khai thác tuân thủ theo quy định pháp luật, bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông. Việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.

Tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt,…); tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Khoáng sản Việt Nam) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Thế nhưng trên địa bàn thôn Sài Lĩnh (Quyết Thắng, Sơn Dương) các đối tượng vẫn sử dụng tàu cuốc "cắm" thẳng vào bãi bồi khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng.

Các cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản yêu cầu rõ ràng là vậy, nhưng thời gian gần đây, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường liên tục tiếp nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân trên địa bàn xã Quyết Thắng (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) về tình trạng khai thác cát ngoài khung giờ quy định, khai thác cát sát chân đê tả sông Lô thôn Sài Lĩnh.

Theo thông tin người dân phản ánh, thời gian gần đây trên địa bàn thôn Sài Lĩnh xuất hiện ba tàu cuốc hoán cải công suất lớn khai thác cát gần bãi bồi phía dưới chân đê tả sông Lô. Do hoạt động khai thác cát của các tàu cuốc diễn ra liên tục trong một thời gian dài, khiến khu vực bãi bồi chân đê tả sông Lô khu vực trên bị sạt lở nghiêm trọng.

Bất chấp quy định tạm dừng khai thác cát tại khu vực sạt lở, các đối tượng vẫn vô tư khai thác cát tại điểm sạt lở, thu hàng nghìn m3 cát.

Từ thông tin phản ánh của người dân, chiều ngày 28/8 nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng.

Từ xa nhìn lại, phóng viên ghi nhận có 3 tàu cuốc cùng 6 tàu chở hàng cỡ lớn đang neo đậu, khai thác cát sỏi lòng sông Lô sát chân bãi bồi thuộc khu vực trên. Tại thời điểm phóng viên có mặt, một chiếc máy cuốc đang hoạt động hết công suất thu dọn mặt bằng.

Sau khi thu dọn xong mặt bằng cho tàu cuốc tiến vào khai thác cát, tàu cuốc này di chuyển lên bãi bồi cách đó khoảng 200m móc thẳng xuống bãi bồi giáp đê tả sông Lô để kiểm tra xem khu vực này có cát hay không.

Phía dưới lòng sông, một chiếc tàu cuốc đang đục thẳng vào chân bãi bồi khai thác cát. Bên cạnh tàu cuốc này là hai chiếc tàu hàng cỡ lớn, loại 400 tấn đang áp sát chờ lấy hàng. Phía trên tàu cuốc là hàng chục lao động đang hoạt động hết công suất. Tiếng máy móc vang vọng cả một khúc sông Lô.

Hoạt động khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng, ngày càng tiến sát hành lang bảo vệ đê điều, đe dọa an toàn của đê tả sông Lô.

Tiếp xúc với phóng viên, một người dân trên địa bàn xã Quyết Thắng cho biết: “Họ khai thác cát ở đây từ mấy tháng nay rồi, riêng chỗ đang khai thác thì mới làm mấy ngày nay. Cứ kiểu này thì chả mấy hôm nữa cả đoạn bãi bồi bị họ kéo xuống sông cả thôi. Đến lúc đó thì đừng nói kè đá, cả đoạn đê này cũng chẳng yên”, vừa nói người dân vừa chỉ vào chỗ tàu cuốc đang khai thác cát rồi vội vàng di chuyển không để cho phóng viên kịp hỏi thêm điều gì.

Ý kiến của người dân quả thực có căn cứ, khi chỉ sau vài hôm tàu cuốc khai thác cát sát chân đê đã tạo ra điểm sạt lở ăn sâu vào chân bãi bồi hàng chục mét, tạo ra vùng nước chứa đủ tàu cuốc và hai tàu chở hàng cỡ lớn. Phía trong bãi bồi tạo thành những vách dứng đứng, bên dưới toàn cát có thể đổ ụp xuống lòng sông Lô bất cứ lúc nào.

Hoạt động khai thác cát ngay sát đầu kè soi bãi của người dân và tiếp tục mở rộng.

Toàn bộ thông tin về tình trạng tàu cuốc “cắm” thẳng vào chân bãi bồi khai thác cát gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê điều, đe dọa tới thân đê tả sông Lô cùng hình ảnh đã được phóng viên cung cấp cho Đại tá Nguyễn Thành Chung – Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang.

Từ nội dung thông tin phóng viên cung cấp về hoạt động khai thác cát gần bờ gây sạt lở thuộc địa phận thôn Sài Lĩnh, Đại tá Nguyễn Thành Chung đã chỉ đạo lãnh đạo phòng Cảnh sát điều tra Tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu (PC03)…tiếp nhận thông tin, xác minh kiểm tra xử lý.

Từ nội dung thông tin phóng viên cung cấp, điều tra viên (thuộc PC03) đánh giá nội dung thông tin phóng viên cung cấp là có căn cứ.

Cũng liên quan đến sự việc trên, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đồng chí Giang Tuấn Anh – Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh, kiểm tra thông tin.

Các đối tượng sử dụng cả tàu cuốc, máy xúc cỡ lớn để tiến hành khai thác cát. (Ảnh người dân cung cấp)

Trước đó, vào ngày 30/6 tổ công của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND xã Quyết thắng tiến hành phối hợp kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của quần chúng nhân dân thôn Sài Lĩnh xã Quyết Thắng có đơn vị khai thác cát sỏi bằng tàu cuốc vào đầu kè soi bãi của nhân dân.

Qua tiến hành kiểm tra, tổ công tác xác định tại bờ sông Lô thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng có 01 điểm sạt lở bờ sông, giáp với đầu kè bờ sông có vị trí nằm trong ranh giới được cấp phép khai thác khoáng sản của Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản và vận tải Long Thịnh (công ty Long Thịnh). Ngoài ra trên địa bàn thôn Sài Lĩnh không có điểm khai thác hay sạt lở nào khác.

Tàu cuốc "cắm" thẳng vào chân bãi bồi khai thác cát. (Ảnh người dân cung cấp).

Tại biên bản buổi làm việc, tổ công tác yêu cầu công ty Long Thịnh khai thác khoáng sản theo đúng các nội dung tại giấy phép được cấp. Trường hợp có sạt lở bờ sông gần khu vực được phép khai thác phải dừng ngay hoạt động tại vị trí sạt lở, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương theo quy định.

Cũng trong khuôn khổ buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Giám đốc công ty Long Thịnh cam kết công ty khai thác theo đúng giấy phép được cấp, trường hợp vi phạm sẽ chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật.

 

GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…

Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…

“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.