Minh Anh ·
1 năm trước
 7955

Vì sao thiếu điện?

Trong khi nguy cơ thiếu điện rất lớn, nhưng việc huy động nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo diễn ra khá đủng đỉnh.

Nguy cơ thiếu điện cao

Thiếu điện và phải cắt điện luân phiên không chỉ xảy ra ở khu vực miền Bắc mà còn xảy ra tại miền Trung và miền Nam những ngày nắng nóng vừa qua. Nguyên nhân chính là do thủy điện thiếu nước nghiêm trọng.

Ngày 22/5, ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thông tin, đến thời điểm này, đã có 18/47 hồ thủy điện lớn ở miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ xuống mực nước chết; 20/47 hồ thủy điện có dung tích còn lại dưới 20%. Theo lãnh đạo EVN, những tháng qua, lượng nước trên các dòng chảy về các hồ chứa thủy điện thấp nhất trong 100 năm qua. Tính đến ngày 21/5, sản lượng điện còn lại trong các hồ chứa chỉ còn khoảng 29 tỷ kWh - thấp hơn 1,7 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Trong khi đó, do nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng điện tăng rất cao trên cả nước. Vị lãnh đạo cho biết, ngày 19/5, mức tiêu thụ điện đã đạt kỷ lục là 924 triệu kWh, công suất cực đại đạt 44,6GW - cao nhất từ trước đến nay. “Chúng ta thường xuyên ở tình trạng hệ thống không còn dự phòng. Để đảm bảo ổn định và an toàn cho hệ thống, EVN đã phải huy động tất cả các loại nguồn điện, kể cả nguồn đắt tiền từ dầu diesel, dầu FO”, ông Nhân chia sẻ.

Có những nơi cắt điện liên tiếp hai ngày

Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội, sản lượng điện năng tiêu thụ trên địa bàn thành phố những ngày vừa qua liên tục tăng cao. Đáng chú ý, trong 2 ngày 18, 19/5, lượng điện tiêu thụ đều đạt ngưỡng trên 93 triệu kWh, là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Do nhu cầu phụ tải tăng đột biến như vậy nên lưới điện phân phối có thể xảy ra tình trạng quá tải trong cao điểm mùa nắng nóng.

EVN Hà Nội cũng cho biết trong ngày 23/5, một phần tổ dân phố số 5 phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm bị cắt điện trong thời gian 4-10h. Tiếp đến, khung 10-16h, một phần tổ dân phố số 4 phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm sẽ bị ngừng cấp điện.

Tương tự, nhiều khu vực thuộc quận Bắc Từ Liêm cũng bị cắt điện: khu dự án nhà ở Cầu Diễn ngõ 332 đường Hoàng Công Chất và tổ dân phố Đức Diễn 2, phường Phúc Diễn bị tạm ngưng cấp điện khung 8-17h; tòa nhà A8 chung cư An Bình City, phường Cổ Nhuế 1 có lịch cắt điện khung 8h30-11h30.

Trong khi đó, tại Thanh Xuân, từ số nhà 40 đến số nhà 58, từ số nhà 13 đến số nhà 69 phố Hoàng Văn Thái, toàn bộ ngõ 50 phố Hoàng Văn Thái và toàn bộ ngõ 235 phố Nguyễn Ngọc Nại bị mất điện lúc 5-13h.

Đáng chú ý, tại quận Hoàng Mai, một phần phường Giáp Bát dự kiến bị tạm ngưng cấp điện từ 3h30 đến 11h trong liên tiếp hai ngày 23/5 và 24/5.

Ngoài ra, trong danh sách, các cơ sở bị cắt điện chủ yếu gồm doanh nghiệp, trường học hay trung tâm thương mại đã có lịch chủ động đề nghị cắt điện để bảo trì hoặc bảo dưỡng thiết bị trạm biến áp nội bộ mà các đơn vị này tự đầu tư. Lịch xin cắt điện của các đơn vị này đã được gửi trước cho ngành điện một tuần.

Khẩn cấp bổ sung nguồn cung điện

Trong bối cảnh thiếu điện nghiêm trọng hiện nay, ông Lâm khẳng định, EVN sẽ huy động tối đa toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo để sẵn sàng đấu nối hệ thống điện, giảm tải cho tình trạng thiếu điện dự báo sẽ còn căng thẳng trong các tháng tới.

Gần đây nhất, ngày 19/5, EVN có văn bản gửi Chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Duyên Hải 2 là Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (JVL) và Tổng thầu EPC dự án là China Huadian Engineering đề nghị được vay lô than 100.000 tấn. Số than này sẽ sử dụng cho NMNĐ Duyên Hải 3 (thuộc Tổng công ty Phát điện 1) để sản xuất điện, với mục tiêu đảm bảo cung ứng điện trong tình hình cấp bách hiện nay.

Bên cạnh đó, EVN đã đàm phán và ký kết các hợp đồng mua bán điện với NMNĐ Thái Bình 2, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Sông Lô 7, NMTĐ Nậm Củm 3, Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 để bổ sung nguồn điện cho hệ thống.

Ở khu vực phía nam, các nhà máy điện chạy dầu (nguồn điện có chi phí cao) đã phải tái khởi động để đảm bảo cung ứng điện. Trong đó, nhà máy điện chạy dầu tại Thủ Đức, Ô Môn, Cần Thơ, Cà Mau đã hoạt động và phát lên lưới sản lượng lớn.

Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tính đến ngày 22/5, Bộ Công thương đã phê duyệt giá bán điện tạm tính cho 17 dự án điện tái tạo chuyển tiếp (công suất gần 1.280 MW) và các dự án này đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị phát điện lên lưới. Do nắng nóng, dự báo thời gian tới, nhu cầu sử dụng điện có thể tiếp tục vượt các kỷ lục.

Tạ Nhị