Minh Anh ·
1 năm trước
 7999

Việt Nam luôn coi trọng thực hiện các cam kết toàn cầu về giảm thiểu rủi ro thảm họa

Là một trong số các quốc gia hứng chịu thiên tai và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất thế giới, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện các cam kết toàn cầu để giảm thiểu rủi ro thảm họa.

Việt Nam ủng hộ thực hiện Khung hành động Sendai

Mới đây, Hội nghị Cấp cao kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thảm họa với chủ đề “Cùng nhau hành động để giảm thiểu rủi ro vì một tương lai tự cường” đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77.

Theo đó, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chính trị thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với các giải pháp cần ưu tiên triển khai nhằm cụ thể hóa 4 ưu tiên của Khung hành động Sendai từ nay đến năm 2030.

Khung hành động toàn cầu Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai (Khung hành động Sendai) về Giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015-2030 được thông qua tại Hội nghị toàn cầu về giảm thiểu rủi ro Thiên tai lần thứ 3 của Liên hợp quốc tổ chức tại Sendai, Miyagi, Nhật Bản.

Theo đánh giá của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, việc thực hiện Khung Sendai thời gian qua chưa đạt tiến độ và hiệu quả như mong muốn, trong khi thế giới đang đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, mất đa dạng sinh học và bất bình đẳng ngày càng gia tăng.

Việt Nam là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất trên thế giới với mức độ tổn thương cao bởi tác động của biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa).

Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm nâng cao tính tự cường và khả năng phục hồi thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thảm hoạ, nâng cấp hệ thống quản trị và tài chính ở cấp độ quốc gia và quốc tế, thực hiện chuyển đổi từ “quản lý thiên tai sang quản lý rủi ro” và tập trung vào phòng ngừa.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, là một trong số các quốc gia hứng chịu thiên tai và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất thế giới, Việt Nam luôn coi trọng việc thực hiện các cam kết toàn cầu để giảm thiểu rủi ro thảm họa.

Với phương châm chuyển đổi từ “thụ động ứng phó” sang “chủ động phòng ngừa” trong quản lý rủi ro thảm họa, Việt Nam ưu tiên triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức, luật hóa, huy động tối đa nguồn lực sẵn có trong nước cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế để nâng cao năng lực ứng phó thảm họa và đảm bảo tiến độ đạt được các mục tiêu của Khung hành động Sendai.

“Việt Nam ngày càng tham gia, đóng góp tích cực vào các nỗ lực quốc tế và khu vực nhằm giảm thiểu rủi ro thảm họa, thể hiện qua việc đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban quản lý thảm họa ASEAN năm 2023, lần đầu tiên cử các đội tìm kiếm, cứu nạn quốc gia đến giúp Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục thảm họa động đất kép tháng hồi tháng 2/2023”, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định.

3 giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở kết quả kiểm điểm giữa kỳ và kinh nghiệm thực tế thu được thời gian qua, Trưởng đoàn Việt Nam đề xuất 3 giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả Khung hành động Sendai trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần đặt giảm thiểu rủi ro thảm họa ở vị trí trung tâm trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), trong đó bảo đảm đầu tư thỏa đáng cho cơ sở hạ tầng phòng chống và quản lý rủi ro thảm họa.

Thứ hai, tăng cường các mối quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực về giảm thiểu rủi ro thảm họa, nhất là trong việc chia sẻ thông tin và công nghệ, hướng tới xây dựng các trung tâm dữ liệu và cảnh báo sớm về thảm họa ở các cấp độ.

Thứ ba, tiếp tục cải thiện các cơ chế đa phương hiện có nhằm ứng phó hiệu quả hơn với thảm họa, nhất là trong các tình huống khẩn cấp, cùng lúc xảy ra thiên tai và thảm họa do con người gây ra.

Việt Nam là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất trên thế giới với mức độ tổn thương cao bởi tác động của biến đổi khí hậu. Người dân, đặc biệt là cộng đồng sinh sống ở các khu vực ven biển phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khác nhau như bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất và xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu hiện nay gây nên những hiện tượng đáng lo ngại về khí hậu và thời tiết, trong đó có thể kể đến tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường,… cùng với mức thiệt hại và tổn thất lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung và đời sống của người dân nói riêng. Ước tính mỗi năm, Việt Nam thiệt hại từ các thảm họa thiên tai khoảng 1,5 – 2% GDP.

Tháng 3/2015, Việt Nam cùng với 187 quốc gia trên thế giới đã thông qua Khung hành động Sendai.

Khung hành động Sendai đặt ra 4 ưu tiên hành động, cụ thể là: (1) Hiểu biết về rủi ro thiên tai; (2) Tăng cường quản trị nhằm quản lý rủi ro thiên tai; (3) Đầu tư nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, (4) Tăng cường phòng ngừa để ứng phó hiệu quả, và “Xây dựng lại tốt hơn” trong phục hồi và tái thiết. Các quốc gia thành viên đã xác định ra 7 mục tiêu và một bộ 38 chỉ số để đo lường tiến độ thực việc Khung hành động Sendai.