Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực tham gia, chung tay cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa của ô nhiễm rác thải nhựa tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada; kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu tổ chức tại thành phố Đà Nẵng (năm 2018); Hội nghị WEF Davos 2019 tại Thụy Sỹ.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Trong đó, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng đã có các kế hoạch liên quan đến phong trào này.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2021, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với sản xuất và tiêu dùng bền vững… Kế hoạch này đề cập đến nhiệm vụ trước hết là cần quyết liệt triển khai các giải pháp hạn chế, tiến tới loại bỏ, nói không với đồ nhựa dùng một lần trong đời sống xã hội.
Tại TP.HCM, UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch về việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2030. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người; lợi ích của các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, học sinh, sinh viên, người dân… trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, mục tiêu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, các tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì nilon khó phân hủy sinh học trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Tại Thừa Thiên - Huế, UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”, qua đó xây dựng, hình thành mạng lưới truyền thông cấp cơ sở và các phong trào rộng khắp theo cách tiếp cận tổng hợp, dựa trên cơ sở phối hợp hiệu quả với các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp như hội Nông dân, hội Nghề cá, hiệp hội Du lịch, hội Môi trường... Tỉnh còn tập trung vào các nội dung như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hoặc lồng ghép nội dung cập nhật kiến thức, phổ biến văn bản pháp luật bằng hình thức phù hợp với từng đối tượng; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống rác thải nhựa; biên soạn, phát hành các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền…
Còn tại quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng), 3 trường học sẽ triển khai mô hình “trường học không rác thải nhựa” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Đến năm 2025, quận Thanh Khê sẽ nhân rộng triển khai tại 10 trường học. Có 130 cán bộ, giáo viên nòng cốt của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận đã được tập huấn bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về môi trường.
Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được tập trung đẩy mạnh, với nhiều hình thức, nội dung đa dạng. Nhờ vậy, ý thức cá nhân, tổ chức, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều mô hình về bảo vệ môi trường, biển hải đảo, chống rác thải nhựa được triển khai thực hiện hiệu quả như: Mô hình không mang và sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan Vịnh Hạ Long, huyện đảo Cô Tô; mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại phường Thanh Sơn (Uông Bí), xã Lương Mông (Ba Chẽ), thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô); mô hình “Biến rác thải thành tiền”; Chi hội phụ nữ sống xanh; xây dựng nhà ươm giống từ các vật liệu tái chế và thân thiện môi trường; mô hình bàn làm việc không giấy tờ, cải tạo không gian làm việc khoa học...