Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (dự án đường Vành đai 4) có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận Thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh. Theo Nghị quyết số 56, về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với Thành phố Hà Nội triển khai dự án thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện 2 dự án thành phần là dự án 1.2 và 2.2.
Trong đó dự án thành phần 1.2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành trên địa phận tỉnh Hưng Yên với mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.
Đường Vành đai 4 đi qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài 19,3km, qua 4 huyện là Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu và Văn Lâm. Điểm đầu từ cầu Mễ Sở (Văn Giang) và điểm cuối tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm).
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Xác định tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, tỉnh Hưng Yên đã thể hiện sự quyết tâm cao, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện.
Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) diện tích đất nông nghiệp, đang tổ chức triển khai thực hiện công tác GPMB phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây điện 110kV, 220kV, 500kV. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư đạt 193,6/230,2 ha, đạt trên 84% diện tích phục vụ dự án.
Dự án thành phần 2.2 đã được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 01/6/2023 tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND của UBND tỉnh; Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2 từ ngày 25/10/2023. Đến nay, dự án thành phần 2.2 đã đủ điều kiện khởi công theo quy định. Theo kế hoạch vốn năm 2023, tỉnh phân bổ 200 tỷ đồng để thực hiện dự án thành phần 2.2, số vốn đã giải ngân đến nay là 136 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch vốn...
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, dự án đường Vành đai 4 là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Để dự án bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn yêu cầu UBND các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác GPMB, việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân phải thực sự phù hợp với thực tế và đúng quy định pháp luật.
Đối với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, cần huy động máy móc, trang thiết bị hiện đại, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo đúng tiến độ đề ra.
Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên, để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án đường Vành đai 4, cùng với việc tăng cường giám sát thi công, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về dự án đường Vành đai 4 để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trong thời gian sớm nhất.
Vành đai 4 Hà Nội đi qua 5 tỉnh và thành phố, bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngoài ra, dự án cũng đi qua địa phận của 3 con sông quan trọng, bao gồm Sông Hồng, Sông Cầu và Sông Đuống, đánh dấu tầm quan trọng và tính phức tạp của công trình này.
Dự án Vành đai 4 Hà Nội đã được khởi đầu từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2026, với kế hoạch đưa vào sử dụng vào năm 2027. Sự quan tâm và theo dõi liên tục từ dư luận cho thấy tầm quan trọng và tác động sâu sắc mà con đường này mang lại cho phát triển kinh tế và đô thị trong khu vực.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7106240016102360