Thành Phong ·
23 tuần trước
 8027

Doanh nghiệp nào trúng gói thầu 847 tỷ đồng xây Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội?

Liên danh 4 thành viên đã trúng gói thầu 847 tỷ đồng dự án thành phần 2.3 Xây dựng đường song hành địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông Bắc Ninh vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 14 Phần xây dựng, thiết bị (mới 100%) và một số công việc khác phục vụ thi công xây dựng hạng mục đường song hành (đường đô thị), đoạn từ giáp ranh với tỉnh Hưng Yên đến Quốc lộ 38 (địa phận thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Theo đó, gói thầu thuộc Dự án thành phần 2.3 Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đóng thầu ngày 11/10/2023.

Nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam - Công ty CP Xây lắp 368 - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng - Công ty CP Xây dựng thủy lợi Hải Dương. Giá trúng thầu là 847,68 tỷ đồng (giá dự toán 848,466 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 36 tháng, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Hơn 5.200 tỷ làm 35km đường vành đai 4 - vùng Thủ đô đoạn qua Bắc Ninh.

Dự án thành phần 2.3 đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô được khởi động từ ngày 10/11 tại địa phận xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành) đối với đoạn tuyến từ lý trình Km77+250 (tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên) đến Km88+750 (giao với Quốc lộ 38), thị xã Thuận Thành, chiều dài 11,5km.

Dự án bao gồm các gói thầu số 14 ( trị giá 816,6 tỷ đồng), gói thầu số 15 (trị giá 587,8 tỷ đồng), gói thầu số 16 (trị giá 1.259 tỷ đồng); gói thầu bảo hiểm công trình gồm gói thầu số 25 (trị giá 2,5 tỷ đồng), gói thầu số 26 (trị giá 1,8 tỷ đồng và gói thầu số 27 (trị giá 4,4 tỷ đồng). Tổng trị giá 6 gói thầu này là gần 2.700 tỷ đồng.

Cùng với đó, các gói thầu 17, 19, 22, 30 sẽ được chỉ định thầu theo quy trình thông thường và các gói thầu còn lại sẽ được chỉ định thầu theo quy trình rút gọn.

Đến nay, các địa phương có tuyến đường đi qua đã thu hồi, giải phóng mặt bằng được 87,12% diện tích phục vụ dự án; di chuyển 180/2.658 ngôi mộ, tổng giá trị giải ngân cho các địa phương đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bảo đảm tiến độ cam kết.

Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng giao thông (Sở Giao thông vận tải) Nguyễn Anh Đức cho biết: Ngay sau khi đủ các điều kiện để triển khai thi công, chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu lập ngay tiến độ thi công chi tiết, cụ thể, bảo đảm đủ nhân lực, vật tư, thiết bị, máy móc thực hiện. Chủ động phối hợp với các địa phương kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), phấn đấu đến 31-12 triển khai thi công toàn tuyến. Yêu cầu các nhà thầu cam kết đúng tiến độ đề ra; chủ đầu tư cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nếu nhà thầu không bảo đảm năng lực sẽ xử lý đúng quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành khẳng định: Nhận thức được tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia, Thuận Thành xác định bắt buộc phải hoàn thành theo đúng tiến độ. Các ngành, các cấp thực sự vào cuộc, nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đồng thuận để dự án sớm được triển khai, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Hiện nay, các địa phương đang gặp vướng mắc trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ di chuyển mồ mả; bồi thường, hỗ trợ đối với đất vườn, ao cùng thửa đất trong khu dân cư, đất ở không đúng  thẩm quyền… Những gì thuộc thẩm quyền, Thuận Thành sẽ sớm giải quyết, đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, thị xã kiến nghị Ban chỉ đạo tỉnh sớm có ý kiến chỉ đạo cụ thể để sớm GPMB phần diện tích còn lại.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài là 35,3km, đi qua 3 huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh.

Trong đó, đoạn tuyến Vành đai 4 dài khoảng 25,6 km. Trong giai đoạn này đầu tư phân kỳ mặt cắt ngang quy mô 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.

Còn lại 9,7 km là tuyến nối từ cuối dự án theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long đến cao tốc Hà Nội – Bắc Giang dài khoảng 9,7km. Phân kỳ đầu tư đồng bộ toàn tuyến đảm bảo quy mô 4 làn xe.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư dự án này khoảng 5.210 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng là 2.110 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Bắc Ninh là 3.100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành.

Dự kiến, dự án này được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022-2027.

Bắc Ninh có lợi thế vị trí ngay sát Thủ đô Hà Nội, việc kết nối mở thêm đường hướng tâm Vành đai 4 trong vùng Thủ đô không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển mà còn tăng khả năng liên kết, giao thương hàng hóa của Bắc Ninh với các tỉnh lân cận.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7096039970455698/