Bích Ngọc ·
30 tuần trước
 6036

Tuần qua cổ phiếu ngân hàng nào hồi mạnh nhất?

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau 2 tuần chìm trong sắc đỏ đã có sự hồi phục trở lại trong tuần qua (9-13/10/2023). Tuần qua, trong 27 mã ngân hàng giao dịch trên sàn chứng khoán thì có 22 mã tăng giá.

Hai cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất là VPB của VPBank (+4,8%), đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 21.950 đồng/cp. Bà Phạm Thị Nhung - Phó Tổng Giám đốc VPBank mới đây cho biết, VPBank đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng của thương vụ bán 15% cổ phần cho SMBC. Từ đầu năm tới nay tăng trưởng tín dụng của VPBank đã vượt mức 20% (cao hơn so với mức trung bình toàn ngành). VPBank là một trong những nhà băng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản 1 ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.

Trong tuần qua nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán mạnh VPB khi bán ròng trong cả 5 phiên với giá trị ròng hơn 212 tỷ đồng.

Trong tuần này, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng có diễn biến tích cực hơn như ACB (+3,9%), VIB (+3,5%), LPB (+3,3%), HDB (+2,9%), TPB (+2,7%),….

Kể từ nửa cuối tháng 9 đến nay, cổ phiếu HDB tiếp tục giao dịch với thanh khoản ở mặt bằng cao. Đây cũng là mã ngân hàng hiếm hoi hời gian qua có thanh khoản tăng mạnh. Giá trị giao dịch khớp lệnh HDB trong tuần đạt gần 700 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

HDB là một trong những mã có mức tăng tốt nhất gần đây khi dự kiến cổ phiếu này sẽ lọt rổ VNDimond. VNDirect cho hay, VNDiamond có thể sẽ thêm HDB và VRE, loại bỏ DHC trong đợt đánh giá định kỳ tháng 10/2023. Dựa trên dữ liệu tính đến ngày 29/9/2023, VNDirect ước tính HDB sẽ được thêm vào chỉ số do cổ phiếu đáp ứng được yêu cầu quan trọng có 95% tỷ lệ sở hữu nước ngoài. HDB hiện đang trong rổ các chỉ số quan trọng nhất của HoSE như VN30 Index, VNFinlead Index, VNFinSelect Index, đồng nghĩa nằm trong danh mục đầu tư của nhiều quỹ ETF lớn.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, diễn biến tích cực nhất là VPB, tiếp đến là CTG của VietinBank khi tăng 2,1% tuần qua. Các mã khác cũng tăng nhẹ trên dưới 1% như VCB (+1,4%), BID (+0,7%), TCB (+0,5%).

Chỉ có 5 cổ phiếu tuần qua giảm giá, chủ yếu là các cổ phiếu nhỏ: NAB (-2,9%), BAB (-1,5%), ABB (-1,2%), SGB (-0,7%), OCB (-1,9%).

Trong tuần thanh khoản khớp lệnh toàn ngành đạt hơn 8.200 tỷ đồng, tương đương bình quân 1.600 tỷ/phiên, giảm so với mức 1.900 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1.000 tỷ là STB (1.500 tỷ đồng) và VPB (1.200 tỷ đồng). Hầu hết các mã ghi nhận giá trị giao dịch đi ngang hoặc sụt giảm.

Được biết, tuần qua khối ngoại không chỉ bán ròng VPB mà còn hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác (như LPB, SHB, BID, TPB, HDB,…). Chỉ một số mã được mua ròng (STB ghi nhận giá trị mua ròng 63 tỷ đồng, VCB ghi nhận giá trị mua ròng 28 tỷ đồng).

Hiện các nhà băng đang bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023. Lợi nhuận và nợ xấu là những vấn đề đang được quan tâm. Theo số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố, tỷ lệ nợ xấu từ 2% hồi đầu năm đã tăng vọt lên 3,56% đến cuối tháng 7/2023, tương đương hơn 440.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên đã bao gồm cả 5 nhà băng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây Dựng (CBBank), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Nếu loại trừ 5 ngân hàng này ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các nhà băng hiện ở mức 1,92%.

Trong năm nay, có 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2022, ngoài ra, vẫn có 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Theo kết quả điều tra kỳ này cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý III/2023 có biểu hiện “tăng nhẹ”, tuy nhiên được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2023.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6962055910520772/?