Thành Phong ·
1 năm trước
 7824

3 nhà mạng lớn nào bị thanh tra?

Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội đang tổ chức thanh tra 3 nhà mạng lớn trên địa bàn

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, trung tuần tháng 4, cơ quan này đã ban hành các quyết định thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với 3 doanh nghiệp viễn thông lớn gồm: Trung tâm Kinh doanh VNPT - Hà Nội chi nhánh của Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 1, Viettel Hà Nội - chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel).

Ảnh minh họa.

Các quyết định nêu rõ, đoàn thanh tra có nhiệm vụ: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước theo quy định tại Luật Viễn thông, Nghị định 25 năm 2011, Nghị định 49 năm 2017 và việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra của Bộ TT&TT, Sở TT&TT Hà Nội.

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thực hiện thanh tra các nhà mạng trong thời kỳ từ 1-10-2022 đến ngày công bố quyết định thanh tra; thời hạn thanh tra trong 15 ngày làm việc kể từ khi công bố quyết định. Đoàn do Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra Sở làm Trưởng đoàn.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Sở TT&TT đề nghị phối hợp chỉ đạo; triển khai thực hiện đợt thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trên toàn quốc từ ngày 5-4 đến 5-6-2023. Trong công văn này, Bộ TT&TT cũng nêu rõ các nhiệm vụ mà đoàn thanh tra các Sở TT&TT địa phương cần thực hiện.

Đối với việc đăng ký sử dụng sim điện thoại số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường: Từ dữ liệu được cung cấp, kiểm tra các dấu hiệu để xử lý vi phạm các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức cá nhân liên quan như các sim điện thoại có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao, ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau hoặc tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau.

Sở TT-TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng sim điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động.

Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các sim này đang ở đâu, hoặc việc sở hữu các số thuê bao, lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.

Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng sim điện thoại với số lượng lớn, Sở TT-TT xây dựng phương án phân cấp, hướng dẫn, đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin, phối hợp với UBND phường xã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân nói trên đến làm việc để xác minh, làm rõ; gửi kết quả nếu các sim điện thoại không do chính chủ thuê bao sử dụng để Sở yêu cầu doanh nghiệp viễn thông đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin cho chủ thuê bao đăng ký lại thông tin theo quy định.

Đối với thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng lớn, Sở TT-TT chỉ đạo kiểm tra các trường hợp thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao và ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau.

Cách đây không lâu, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã công bố kết luận kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với 7 doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast).

Kết luận kiểm tra đã chỉ rõ sai phạm các doanh nghiệp viễn thông di động trong việc quản lý thông tin thuê bao, cụ thể: bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều SIM, cá biệt một số cá nhân đăng ký tới hàng ngàn SIM, đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng SIM không chính chủ.

Doanh nghiệp viễn thông còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; để cho đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhau mượn tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao; thực hiện không đúng quy trình đăng ký lại thông tin thuê bao, cấp lại SIM; sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm SIM cho người sử dụng, không thực hiện đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao...

Bộ TT&TT cũng khẳng định việc tổ chức thanh tra diện rộng về công tác quản lý thông tin thuê bao để xử lý nghiêm các vi phạm.

Tạ Nhị