Thành Vũ ·
49 tuần trước
 9032

Báo động tình trạng nước sinh hoạt bẩn ở Hà Nội

Không chỉ có khu vực ngoại thành Hà Nội mà những quận nội thành hiện nay cũng vẫn tồn tại tình trạng thiếu nước sạch.

Theo báo cáo của VIWASE, qua khảo sát hiện trạng cấp nước cho đô thị, các giếng ngầm tại các quận: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Tây Hồ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm có hàm lượng sắt cao. Các giếng tại các quận: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên có hàm lượng mangan cao.

Đặc biệt, các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam thành phố thuộc các nhà máy nước: Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai bị ô nhiễm nặng; nước ngầm không đảm bảo chất lượng, hàm lượng amoni rất cao và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.

Nguyên nhân là do khu vực này có địa hình thấp, toàn bộ nước bề mặt chưa được xử lý chảy về hướng này, ngấm xuống làm bẩn những tầng chức nước nằm sâu dưới lòng đất.

Có thể là hình ảnh về 6 người và văn bản

Hàng loạt khu dân cư ở Hà Nội bị mất nước. (Ảnh:ITN)

Hay gần đây, nhiều dự án cấp nước chậm tiến độ, giảm khai thác nước ngầm khiến hàng loạt khu dân cư ở các quận huyện như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức... bị thiếu nước sinh hoạt. Người dân phải xếp hàng đến 1-2h sáng chờ lấy nước từ các xe téc lưu động. Nhiều người phải nhịn tắm, sơ tán sang nhà người thân hoặc khoan giếng.

Trong khi đó Hà Nội đã vào thu được hai tháng, nhu cầu dùng nước sạch của hơn 8,4 triệu dân không cao như mùa hè. Mực nước các sông Hồng, Đà, Đuống - nguồn cung cấp nước mặt cho thành phố, sau thời điểm khô cạn cuối tháng 5 và đầu tháng 6, đã được bổ sung bởi nhiều đợt mưa lũ ở thượng nguồn. Tình trạng thiếu nước đến từ nhiều nguyên nhân và phần lớn không thể giải quyết ngay.

Hà Nội được đánh giá có lượng nước ngầm dồi dào. Trong tổng số 1,5 triệu m3 nước sạch cung cấp cho thành phố mỗi ngày đêm thì nước ngầm chiếm 770.000 m3, nước mặt 750.000 m3. Tuy nhiên, do khai thác tự phát kéo dài vài chục năm, mực nước ngầm đã sụt giảm, gây sụt lún đất, ô nhiễm asen.

Nhằm bảo vệ nước ngầm, bảo đảm cấp nước an toàn, bền vững, Thủ tướng ban hành quyết định số 554/2021 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Thành phố sẽ ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn nước mặt, từng bước giảm dần nước ngầm.

Theo lộ trình, việc khai thác nước ngầm mỗi ngày đêm giảm dần từ 770.000 m3 như hiện nay xuống 615.000 m3 đến năm 2025; đến 2030 còn 504.000 m3 và đến 2050 còn 413.000 m3.

Một số nhà máy đã đóng cửa giếng ngầm, như Nhà máy nước Hạ Đình đóng 8/17 giếng, còn 9 giếng đang khai thác luân phiên. Từ nay đến năm 2030, nhà máy chỉ hoạt động với công suất 10.000 m3 mỗi ngày đêm, giảm 1/3 trước đó và đến năm 2050 sẽ đóng tất cả giếng ngầm.

Tương tự, Nhà máy Nước Pháp Vân công suất thiết kế 30.000 m3 mỗi ngày đêm đang giảm khai thác xuống 5.000 m3; sau năm 2030 ngừng các giếng nước ngầm, đưa về chế độ dự phòng.

Mục tiêu phủ sóng 100% nước sạch có khả quan?

Ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, tỉnh Hà Đông, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Sau khi sáp nhập, Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), tổng số dân tăng từ 3,4 triệu lên 6,4 triệu người.

Thủ đô Hà Nội, sau khi được mở rộng địa giới hành chính, có diện tích tự nhiên 334.470,02ha với dân số là 6.448.837 người. Tổng số các đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội mới bao gồm 29 đơn vị cấp quận huyện với 577 đơn vị cấp xã - phường.

Tại thời điểm đó, toàn thành phố Hà Nội có 4 doanh nghiệp cấp nước là: Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh nước sạch VIWACO, Công ty cấp nước Hà Đông và Công ty cấp nước Sơn Tây; tổng số 15 nhà máy sản xuất nước có công suất từ 20.000m3/ngđ đến 100.000 m3/ngđ và 19 trạm cấp nước nhỏ có công suất từ 1.000m3/ngđ đến 12.000 m3/ngđ.

Với tổng công suất cấp nước tập trung khoảng 1.000.000 m3/ngđ cùng hệ thống đường ống cấp nước trên 3.000km, hệ thống cấp nước Hà Nội thời kỳ này thực hiện cung cấp nước sạch cho khoảng 700.000 hộ dân và các cơ quan tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; tương đương với số dân là 2,5 triệu người, tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày. Tỷ lệ dân số đô thị toàn thành phố Hà Nội được cấp nước sau khi điều chỉnh địa giới hành chính là 94,8%, tại các huyện ngoại thành và ven nội chỉ có 6% dân số được sử dụng nước sạch.

Điều này đã đặt ra cho Hà Nội một thách thức, cũng là một nhiệm vụ chính trị mới trong thời kỳ xây dựng Thủ đô mới. Việc phát triển ngành nước với tư cách là một lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng để bắt kịp với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Hà Nội mới chính là yêu cầu cấp thiết.

Vượt qua những thách thức ban đầu, tính đến hết năm 2022, tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm. Con số này đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và hoàn thành mạng lưới cấp nước cho khoảng 85% người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra vẫn còn rất nhiều công việc phải làm ở phía trước. Đó là tình trạng khan hiếm nước ở những khu vực mới được đô thị hóa hoặc hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nước ngầm có dấu hiệu suy giảm, nguồn nước mặt đối diện nguy cơ ô nhiễm, sự cân bằng của toàn bộ hệ thống giữa công suất nhà máy nước và mạng lưới đường ống, cân đối giữa cung và cầu, giữa các vùng và các giai đoạn xây dựng và phát triển nhằm khai thác bền vững, ổn định và bảo vệ nguồn tài nguyên nước…

Đây là cơ sở quan trọng làm nền tảng để thành phố Hà Nội hoạch định những chính sách, kế hoạch phát triển trong tương lai tạo điều kiện phát triển theo quy hoạch cho các lĩnh vực kết cấu hạ tầng nói chung và ngành nước Hà Nội nói riêng.

Về chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô, PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng, cần có báo cáo về chất lượng nước của các đơn vị cung cấp nước trong thời gian qua. Cần có đánh giá về công nghệ, thiết bị của các đơn vị cung cấp nước hiện nay và công bố những đơn vị có công nghệ, thiết bị cần thay; nếu phải thay thì thời hạn thay là bao lâu kể từ khi tăng giá để người dân giám sát. Bên cạnh đó nên có đường dây nóng để nhân dân phản ánh về chất lượng cấp nước, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Còn ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố cho rằng, tăng giá nước sạch nhưng cũng cần quan tâm đến việc kiểm tra, thanh tra toàn bộ các khâu đầu tư xây dựng các nhà máy, các trạm sản xuất nước sạch trên địa bàn Thành phố và khu vực; cần đảm bảo chất lượng nước sạch đúng tiêu chuẩn.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6994505397275823/