Mới đây, CTCP Đầu tư Kiến Vàng (Kiến Vàng Invest) đã công bố tình hình tài chính năm 2022. Trong đó, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 494 triệu đồng (lao dốc 95% so với cùng kỳ), giảm 2,3% so báo cáo trước đó (506 triệu đồng).
Vốn chủ sở hữu của Kiến Vàng tại thời điểm cuối năm 2022 nhích nhẹ lên 245 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp này có nợ phải trả gấp 0,66 lần vốn chủ sở hữu (tương ứng 162 tỷ đồng). Kỳ này, Kiến Vàng phát sinh dư nợ trái phiếu trên tổng vốn chủ sở hữu là 0,24 lần (tương ứng tổng dư nợ vay khoảng 58,88 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh năm 2022 của Đầu tư Kiến Vàng. Nguồn ảnh: Internet.
Đầu tư Kiến Vàng hiện đang có hai mã trái phiếu, tổng giá trị 60 tỷ đồng được phát hành vào ngày 4/7/2022 và 29/6/2022, thời gian đáo hạn vào ngày 4/7/2023 và 29/6/2023. Như vậy, hiện đang cận kề ngày Kiến Vàng phải thanh toán nợ gốc số trái phiếu này cho trái chủ.
Được biết, hai lô trái phiếu này có tài sản đảm bảo gồm tài sản khác gắn liền với đất số CY 725462 (thửa đất 221 hay lô B2) và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn với đất số CY 725462 (thửa đất 221 hay lô B2) và CY 725454 (thửa đất 213 hay lô A2) đều tại phường 5, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Theo tìm hiểu, Đầu tư Kiến Vàng được thành lập ngày 6/4/2012 và có trụ sở đặt tại số 114 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức, TPHCM. Công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, vốn điều lệ 228 tỷ đồng, ông Trần Quốc Dũng là người đại diện pháp luật.
Trên website, doanh nghiệp này cho biết là chủ đầu tư dự án Gia Việt Riverside (Nhà Bè, TPHCM), diện tích 92.000 m2; dự án Long Hậu Riverside (Long An), diện tích 20,29 ha; dự án Barya Citi (Bà Rịa Vũng Tàu), diện tích 87.389,5 m2; dự án Nhơn Hội New City (Bình Định) quy mô 36 ha; dự án Hortensia Villas (Lâm Đồng), diện tích 4.830,97 m2.
Áp lực trái phiếu doanh nghiệp
Mới đây trong báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho hay, thị trường sẽ có hơn 35.530 tỷ đồng TPDN đáo hạn trong tháng 6/2023, so với tháng 5/2023 thì là tăng gấp đôi (số liệu đã loại trừ các trái phiếu được mua lại trước hạn đến ngày 23/05/2023).
Phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 187.311 tỷ đồng. Giá trị trái phiếu sắp đáo hạn phần lớn vẫn thuộc nhóm Bất động sản với 96.820 tỷ đồng (chiếm 51.7%), theo sau là nhóm Ngân hàng với 31.661 (chiếm 16.9%).
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, có khoảng 62 doanh nghiệp (tính đến ngày 23/05/2023) nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX.
Tổng dư nợ TPDN của các doanh nghiệp chậm thanh toán nợ này ước tính vào khoảng 157.710 tỷ đồng (chiếm khoảng 14,4% dư nợ TPDN toàn thị trường).
Theo đó, có khoảng hơn 45.200 tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách nói trên sẽ đáo hạn trong năm 2023 (chiếm khoảng 19,4% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm).
Trái lại, việc phát hành tiếp tục ảm đạm. Dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, thị trường mới có một đợt phát hành TPDN (tính đến ngày 9/6/2023) được ghi nhận trong tháng 6/2023 với giá trị 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tuần báo cáo còn 3 đợt phát hành TPDN được công bố nhưng đều có thời điểm phát hành vào tháng 5 với tổng giá trị 355 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, ghi nhận tổng giá trị phát hành TPDN là 34,913 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5,521 tỷ đồng, chiếm 16% tổng giá trị phát hành và 23 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 29,392 tỷ đồng, chiếm 84% tổng số, so với cùng kỳ giảm 80%.
Theo VnDirect, trong tháng 5 hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ vẫn diễn ra tích cực. Tính tới ngày 23/05, đã có trên 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn thời hạn trái phiếu với trái chủ và cũng đã có báo cáo chính thức lên HNX.
Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6544374278955606/?