Thành Vũ ·
33 tuần trước
 7836

Biệt thự "khủng" sai phép nghiêm trọng ở Cầu Giấy

Căn biệt thự số 09 nhà B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) được quy định về quy mô xây dựng công trình 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 33%. Tuy nhiên, hiện công trình xây dựng trên có quy mô 3 tầng nổi, tầng áp mái, tầng hầm tương ứng độ xây dựng khoảng 50%.

Căn biệt thự số 09 nhà B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà làm chủ đầu tư.

Tháng 11/2020, UBND quận Cầu Giấy đã cấp Giấy phép xây dựng số 638/GPXD cho ông Duyên và bà Hà với quy mô 3 tầng nổi, mật độ xây dựng 25,2%, mật độ xây dựng tối đa 33%, hệ số sử dụng đất 1,00.

Theo giấy phép được UBND quận Cầu Giấy cấp cho ông Phạm Văn Duyên, thửa đất này được phép xây dựng công trình 3 tầng trên diện tích 300m2. Trong quá trình xây dựng, lực lượng chức năng đã phát hiện chủ đầu tư thi công sàn tầng 1 sai thiết kế; mái tầng 1 vượt diện tích cấp phép; thêm tầng hầm diện tích khoảng 150m2…

Công trình biệt thự số 09 lô B (khu 5,2 ha Yên Hoà, quận Cầu Giấy).

Về mức độ vi phạm pháp luật về xây dựng đô thị, trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành về xây dựng và quản lý đô thị, Sở Xây dựng đã xác định mức độ vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình trên là “vi phạm nghiêm trọng”, thời gian kéo dài với các lỗi vi phạm cụ thể như: Tăng tổng chiều cao công trình; xây dựng thêm tầng bán hầm; tăng mật độ xây dựng; diện tích xây dựng; thay đổi diện tích mặt ngoài xây dựng (Báo cáo số số 38/BC-SXD ngày 1-3-2022 của Sở Xây dựng).

Liên quan đến các vi phạm tại công trình này, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ Ban Dân nguyện của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội... đã có nhiều văn bản đề nghị xử lý dứt điểm, chuyển đơn... nhưng đến nay, các vi phạm tại công trình biệt thự này vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc dư luận.

Chờ ngày cưỡng chế vi phạm

Thời gian qua, UBND quận Cầu Giấy cho biết đã cưỡng chế, tháo dỡ nhiều công trình vi phạm trên địa bàn, nhưng với công trình biệt thự tai tiếng tại số 9 nhà B (khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thì UBND quận Cầu Giấy vẫn chưa có động thái xử lý gây bức xúc dư luận.

Sở Xây dựng và Sở QH-KT Hà Nội đã nhiều lần có ý kiến về việc xử lý đối với biệt thự xây sai phép này. Trong khi, quận Cầu Giấy chính là cơ quan cấp giấy phép xây dựng nhưng lại thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để chủ đầu tư xây dựng sai phép từ phần móng, đến nay biệt thự đã hoàn thiện thì quận Cầu Giấy mới lại đi xin ý kiến các Sở ngành về việc xử lý.

Thực tế, những sai phạm tại biệt thự số 9 lô B khu biệt thự 5,2ha Yên Hòa đã kéo dài, trở thành “điểm đen” gây nhức nhối đối với công tác quản lý trật tự xây dựng tại quận Cầu Giấy. Không những thế, sau những “chỉ đạo quyết liệt” của UBND quận Cầu Giấy thì công trình này không những không bị cưỡng chế, tháo dỡ mà còn ngang nhiên cắt bỏ hàng rào để hoàn thiện thi công và hiện giờ vẫn tồn tại và đã có người vào ở.

Dư luận cho rằng, việc xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng số 9 lô B, khu 5,2ha Yên Hòa của quận Cầu Giấy là rất "loanh quanh" và chậm chạp.

Cần phải có hội đồng cưỡng chế để xử lý các sai phạm

Trên cơ sở báo cáo của cơ quan chuyên môn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND quận Cầu Giấy tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm về trật tự xây dựng theo thẩm quyền. Việc áp dụng hình thức kỷ luật phải tương ứng với hành vi vi phạm theo chức trách, nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 122020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc công trình trên đang bị đình chỉ mà vẫn thi công trách nhiệm thuộc về thanh tra xây dựng của TP.Hà Nội và của quận Cầu Giấy, trực tiếp là cán bộ cấp phường, là Chủ tịch UBND phường Yên Hoà.

Trong trường hợp này, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phải có quyết định tiến hành thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ các vi phạm tại công trình này. Nếu quận không làm được thì đề nghị thanh tra TP.Hà Nội vào cuộc, phải yêu cầu chủ đầu tư công trình này dừng lại tất cả theo quyết định định chỉ trước đó, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý dứt điểm công trình có vi phạm này, không để người dân yêu cầu, khiếu kiện lâu mà không được giải quyết thỏa đáng.

Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc này, lãnh đạo TP Hà Nội cần chỉ đạo quận Cầu Giấy tập trung giải quyết dứt điểm, nếu không sẽ vi phạm quyền khiếu nại tố cáo của công dân. Việc công trình đang bị đình chỉ nhưng vẫn thi công rầm rộ thì phải xem xét lại việc có thể chính quyền địa phương chưa làm quyết liệt, cần phải lập hội đồng cưỡng chế để xử lý các sai phạm. Trong việc này cần phải xem xét có sự bao che cho sai phạm của các cá nhân, tổ chức nào hay không? Chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm hay chưa?…, Đại biểu Quốc hội bày tỏ.

Dù cho cả hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã vào cuộc, UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng liên tục đôn đốc cưỡng chế, xử lý công trình biệt thự sai phạm trên nhưng với cách làm, cách xử lý của UBND quận Cầu Giấy như hiện nay đang khiến dư luận bức xúc. Vì thế, dư luận mong muốn Thành uỷ Hà Nội, UBND TP Hà Nội cần phải chỉ đạo kiên quyết hơn nữa để nhanh chóng cưỡng chế, xử lý các vi phạm tại biệt thự tai tiếng này để giữ kỷ cương phép nước, để tránh những tình trạng cố tình vi phạm tương tự.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6888264954566535/