Chiến Chiến ·
1 năm trước
 7418

Các nhà đầu tư cần lưu ý những gì khi đàm phán cơ cấu nợ với doanh nghiệp?

Thị trường trái phiếu đang có những dấu hiệu tăng nhiệt trở lại sau nửa năm đóng băng. Theo HNX, trong nửa đầu tháng 3/2023, có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với khối lượng 23.755 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản chiếm 80% lượng trái phiếu phát hành.

Việc nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới và gia hạn kỳ hạn trả nợ trái phiếu thành công được coi là tín hiệu tích cực với thị trường TPDN. Các chuyên gia cho hay, có một số yếu tố đang tác động tích cực đến thị trường này.

Đầu tiên, lãi suất huy động đang giảm khá nhanh, kỳ hạn cao nhất của đa số ngân hàng đã lùi về dưới 9%/năm, từ đó khiến so với gửi tiết kiệm thì kênh đầu tư trái phiếu hấp dẫn.

Tiếp theo, nhiều chính sách hỗ trợ bất động sản và TPDN đã được ban hành (Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP và Nghị định số 08/2023/NĐ). Cùng với room tín dụng đang dồi dào, lãi vay bắt đầu giảm, khiến hai thị trường này bớt căng thẳng hơn.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thanh khoản thị trường còn rất lâu mới quay trở lại thời kỳ đỉnh cao như trước đây do sức cầu thị trường đang thiếu hụt. Động lực tăng trưởng của thị trường trái phiếu đến từ nhà đầu tư cá nhân trước khi sự cố Tân Hoàng Minh xảy ra chiếm 33% sức cầu thị trường. Còn hiện nay, việc phát hành mới của doanh nghiệp hầu như hoàn toàn trông chờ vào nhà đầu tư tổ chức. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, những chính sách hiện tại chủ yếu mới tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nợ trái phiếu, việc phát hành mới vẫn rất khó khăn, đặc biệt là phát hành cho nhà đầu tư cá nhân.

Các nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng hơn?

Dù trong nửa đầu tháng 3 đã có khởi sắc nhẹ trong nửa đầu tháng 3 thế nhưng thị trường trái phiếu vẫn đang bị áp lực đè nặng. Theo VNDirect, lượng TPDN riêng lẻ đáo hạn quý II là khoảng 93.139 tỷ đồng và quý III/2023 là khoảng 89.488 tỷ đồng. Có thế thấy, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nguy cơ trả nợ lớn và việc đàm phán giãn nợ với trái chủ rất quan trọng.

Tính từ đầu tuần trước đến nay, có thêm 9 doanh nghiệp không thể trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Tâm điểm của thị trường TPDN năm 2023 có thể vẫn sẽ là cơ cấu nợ, giãn nợ.

Theo ông Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhấn mạnh, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có căn cứ pháp lý và thời gian để đàm phán gia hạn nợ với trái chủ.

Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, khi đàm phán cơ cấu nợ với doanh nghiệp nhà đầu tư phải thận trọng khi đàm phán, cần đọc kỹ các điều khoản khi ký phụ lục hợp đồng.

Một nhà đầu tư mua trái phiếu Công ty Becamex qua Ngân hàng TMCP V. với sự bảo lãnh của Công ty Chứng khoán SmartInvest cho biết, hợp đồng mua trái phiếu đã đáo hạn từ tháng 1/2023, nhưng cho đến hiện tại anh vẫn chưa được ngân hàng hay công ty chứng khoán thanh toán.

Theo nhà đầu tư này, anh đi gửi tiết kiệm nhưng nhân viên ngân hàng đã tư vấn anh mua trái phiếu, thế nhưng khi đáo hạn thì lại chối bỏ trách nhiệm. Sau nhiều lần lên tiếng đòi lại tiền, ngân hàng đưa ra 2 phương án. Một là, ký phụ lục gia hạn thêm 6 tháng, điều kiện là không được khiếu kiện và được trả lãi kỳ trước. Hai là, ngân hàng sẽ cho vay 95% mệnh giá trái phiếu, thế chấp bằng hợp đồng mua trái phiếu mà ngân hàng đã môi giới bán cho anh, trong đó lãi suất cho vay bằng lãi suất trái phiếu. Thời hạn vay sẽ được gia hạn cho đến khi nhà phát hành thanh toán được nợ.

Dù không hài lòng với cả 2 phương án, nhưng do cần tiền gấp anh vẫn chấp nhận phương án vay của ngân hàng 95% giá trị trái phiếu. Với phương án này, anh đã bị biến từ “chủ nợ” thành “con nợ”.    

Một nhà đầu tư mua trái phiếu tại Công ty Chứng khoán T. cũng chia sẻ, hợp đồng mua trái phiếu của chị vẫn chưa được thanh toán khi đã quá hạn hơn 3 tháng. Mới đây, chị được Công ty Chứng khoán T. mời lên ký phụ lục hợp đồng gia hạn kỳ hạn thêm 3 tháng. Thế nhưng sau khi đọc kỹ phụ lục, chị tá hỏa vì trong đó có ghi, Công ty Chứng khoán T không có nghĩa vụ mua lại trái phiếu khi đến hạn. Liệu có phải Công ty chứng khoán cố tình lợi dụng quy định cho phép gia hạn nợ, giãn nợ để ‘bẫy’ nhà đầu tư?

Nhiều tập đoàn bất động sản đã đề nghị nhà đầu tư hoán đổi trái phiếu sang tài sản bất động sản. Thế nhưng, mức chiết khấu bất động sản thấp, đắt hơn giá thị trường cùng với pháp lý dự án không rõ ràng, đặc biệt là chủ đầu tư cũng không dám hứa hẹn thời điểm dự án hoàn thành, khiến nhà đầu tư e ngại. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương, để lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, thị trường cần phải minh bạch. Vì vậy, ngoài sự chủ động của các nhà phát hành, cơ quan quản lý cũng cần có những biện pháp kiểm soát bước đầu thông qua những quy định, luật định, chế tài xử phạt thích đáng.