Bích Ngọc ·
1 năm trước
 8838

Các “ông lớn” bất động sản nói gì trong cuộc họp "nóng" với NHNN và Bộ Xây dựng?

Ngày 13/11/2023, NHNN Việt Nam đã phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Tại đây có sự tham gia của 22 doanh nghiệp BĐS với những cái tên lớn như: Vingroup, Becamex, Novaland, Him Lam, Sun Group, Masterise, BĐS Toàn Cầu, IMG…

Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp. Các vụ, cục thuộc NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Tổng giám đốc của 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng)....

Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/HT

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành nhưng doanh nghiệp bất động vẫn vẫn khó khăn trước các khoản vay lãi cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn vì sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.

Một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn thì lại đang bị vướng mắc về pháp lý. Một nhóm các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận với nguồn vốn lại gặp khó khăn do khó hấp thụ vì lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Nhóm các doanh nghiệp còn lại thậm chí còn chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.

Theo VARS mới đây đã khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nguồn vốn vẫn còn khó khăn, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản. Hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác động tới doanh nghiệp.

Vinhomes: Mong Chính phủ tìm cách tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT CTCP Vinhomes bày tỏ mong muốn Chính phủ cùng các các lãnh đạo bộ ngành ủng hộ, tìm cách tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản.

Ông Hoa cho biết, việc quy định hạn chế room tín dụng khiến thời gian qua ngân hàng cân nhắc lựa chọn khách hàng khi cho vay. Ưu tiên cho vay khách hàng chấp nhận lãi suất cao làm cho mặt bằng chung lãi suất thực tế chưa như kỳ vọng. 

Bên cạnh đó, tài sản đảm bằng bất động sản bị định giá thấp hơn khi thị trường "đóng băng" là một trong những vướng mắc hiện nay. Nhiều nhà băng chỉ giải ngân cho khách hàng vay có tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Còn các tài sản khác (máy móc thiết bị, cổ phiếu niêm yết…) khiến khách hàng rất khó vay.

Về thông tư 06/2022 của NHNN, theo ông Hoa, có điều kiện cho vay đặt cọc hoặc thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phong tỏa tiền giải ngân đang trở thành rào cản trên thị trường. Ông Hoa phân tích, khi công ty A vay để đi đặt cọc cho công ty B. Công ty B cũng vay tiền nên bị phong tỏa tiền đặt cọc của công ty A. Quy định này của ngân hàng quá chặt chẽ. Ông cho rằng không nên đi sâu can thiệp vào thủ tục hành chính này.

Novaland: Lo ngại doanh nghiệp phá sản tăng mạnh nếu không khăn không được giải quyết

Ông Dennis Ng Teck Yow - Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland cho hay, khó khăn về pháp lý – chiếm đến 80% các khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản đồng thời gây ra rất nhiều hệ lụy xấu. Nếu không được giải quyết kịp thời, trong những tháng tiếp con số doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ tăng cao.

Tổng giám đốc Novaland đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao. Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật đầu tư để Quy trình Đầu tư – Giao đất – Quy hoạch – Cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.

Đồng thời kiến nghị Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố. Có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản để tháo gỡ khó khăn và tập trung ổn định kinh doanh trong 3 năm (năm 2022, 2023 và 2024).

Tập đoàn Hưng Thịnh: Đề xuất tối giản hóa các điều kiện cho vay bất động sản

Theo ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, thời gian gần đây Tập đoàn Hưng Thịnh đã tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh. Ngân hàng LPBank sau khi tìm hiểu kỹ những dự án của tập đoàn đã quyết định cấp hạn mức cho vay 5000 tỷ đồng. Gói tín dụng của LPBank giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn Hưng Thịnh và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở.

Ông Cường cũng đưa ra 2 đề xuất lên đến NHNN. Thứ nhất. Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Thứ hai, trong điều kiện pháp lý các dự án bất động sản đang triển khai kéo dài như thời gian qua, đề nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản, cùng với đó kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Mới đây, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất....

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7068973673162328/?