Ngọc Lan ·
10 tuần trước
 9742

Cơ bản khống chế đám cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

Theo thông tin mới nhất, tối ngày 20/2 tỉnh Lào Cai đã khống chế được nhiều điểm cháy tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa. Tỉnh đã huy động bổ sung lực lượng gần 840 người tham gia chữa cháy rừng.

Tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ cháy

Đến 11h00’ ngày 20/02/2024, do điểm cháy khu vực Na Háng hướng đi thôn Dền thàng tiếp tục cháy lan rộng, tỉnh Lào Cai đã huy động bổ sung lực lượng trong đó lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy là 640 người tham gia chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. 

Khoảng 20h00’ ngày 20/02/2024, 02 điểm cháy (điểm cháy gần khu dân cư thôn Séo Mý Tỷ và điểm cháy khu vực Nà Háng hướng đi thôn Dền Thàng) bùng phát cháy trở lại; 01 điểm cháy khu vực Nà Háng hướng đi thôn Hàng và thôn San 1, xã Hoàng Liên vẫn đang cháy.

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Ảnh Phạm Hồ Trúc

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tới hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy. Qua thống kê sơ bộ đến 11h ngày 20/02, diện tích đám cháy khoảng 25ha, là rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì. Hiện chưa đánh giá được mức độ thiệt hại và nguyên nhân gây ra cháy.

Chủ tịch UBND yêu cầu các chốt chặt cần phải duy trì chế độ báo cáo thường xuyên cũng như các lực lượng khác rút về trung tâm để sẵn sàng ứng phó, tránh chủ quan.  

Trung tâm chỉ huy cũng cho biết thêm hiện còn một điểm cháy. Tuy nhiên. Tuy nhiên, gió có xu hướng lặng hơn và lân cận có hai khe suối, thuận lợi cho các lực lượng tiếp cận, tổ chức phát đường băng, khoanh vùng ngăn chặn lan rộng.

Ngoài ra, khoảng 20h00, tại xã Mường Hoa (Sa Pa) đã xảy ra cháy rừng tại thôn Vạn Dền Sử 1 (địa phận giáp danh với thôn Hoà Sử Pán 2). Ngay sau khi nhận được thông tin, xã Mường Hoa đã huy động trên 50 người bao gồm các lực lượng dân quân tự vệ, đoàn thanh niên và người dân tiến hành tiếp cận để dập tắt đám cháy, đến khoảng gần 0h00’ ngày 20/02/2024, đám cháy đã được khống chế dập tắt. Hiện, xã Mường Hoa đã cử trên 30 người túc trực tại điểm cháy, đồng thời thống kê thiệt hại cũng như nguyên nhân xảy ra sự việc.

Trước đó, khoảng 13h40’ ngày 19/02/2024, Vườn quốc gia Hoàng Liên nhận được tin báo của Trạm Kiểm lâm số 4, UBND xã Tả Van về vụ việc xảy ra điểm cháy rừng tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng, thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (cách Trạm Kiểm lâm số 4, thôn Séo Mý Tỷ khoảng 05km).

Các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Ảnh Phạm Hồ Trúc

Đến 17h00’ ngày 19/02/2024, từ điểm cháy đầu tiên bùng phát thành 03 điểm thuộc Tiểu khu 286 và 292a gồm: Điểm cháy đầu tiên khu vực Nà Háng hướng khu dân cư Séo Mý Tỷ; Điểm cháy khu vực Nà Háng hướng đi thôn Dền Thàng; Điểm cháy khu vực Nà Háng giáp thôn Hàng và thôn San 1 thuộc xã Hoàng Liên.

Ngày 20/02/202, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục ký ban hành văn bản hỏa tốc số 743/UBND-NLN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng tổ chức các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng./.

Cần thời gian để phục hồi hệ sinh thái

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND thị xã Sa Pa huy động lực lượng, khẩn trương khống chế, dập tắt các điểm cháy rừng trên địa bàn, không để cháy lan đến các khu vực khác, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Có biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và tính mạng của nhân trên địa bàn và lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

Đáng nói sau mỗi vụ cháy, vấn đề quan tâm nhất chính là phục hồi hệ sinh thái rừng. Chúng ta phải mất thời gian rất dài mới phục hồi được hệ sinh thái rừng tự nhiên. Các hành động để phục hồi môi trường sau cháy rừng phải được hướng tới việc ưu tiên thảm thực vật tự nhiên linh hoạt hơn và ít bắt lửa hơn, thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu mới mà nó sẽ phải sống. 

TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) cho biết: Cháy rừng, phá rừng là yếu tố khiến đời sống sinh học của nước ta suy giảm. Các hệ sinh thái rừng đang phải chịu áp lực nặng nề từ tình trạng gia tăng dân số và nhu cầu cần thêm đất đai và các nguồn nguyên liệu.

Trước bối cảnh, rừng giàu và rừng nguyên sinh ở Việt Nam không còn nhiều, vẫn tiếp tục bị thu hẹp về cả lượng và chất, ông Thịnh cho rằng, con người cần phải thức tỉnh và có những biện pháp cụ thể để phục hồi hệ sinh thái rừng để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá.

Hoạt động khôi phục các hệ sinh thái rừng bao gồm việc trồng lại cây tại khu vực đất rừng cũ và cải thiện tình trạng của các khu rừng bị suy thoái. Cùng với việc trồng các loài cây bản địa, hoạt động này còn bao gồm việc bảo tồn các loài động thực vật hoang dã cũng như bảo vệ đất và các nguồn nước thuộc hệ sinh thái rừng.