Bích Ngọc ·
15 tuần trước
 9865

Có cách nào để phá thế độc quyền trong kinh doanh vàng?

Để tránh tình trạng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới cao, cần thay đổi cách thức quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo các chuyên gia, nếu không cân bằng được thị trường vàng trong nước thì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Nếu chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới càng cao thì tình trạng buôn lậu diễn ra càng nhiều.

Giá vàng trong nước hiện nay vẫn đang neo ở mức cao, chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới theo quy đổi vẫn lên tới 15 triệu đồng/lượng. Hơn nữa, thời điểm cuối năm 2023 thị trường vàng đã có nhiều diễn biến phức tạp, dao động tăng – giảm trong phiên với biên độ mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank, năm qua không chỉ giá vàng mà giá các mặt hàng khác ở những thời điểm nhạy cảm đều có sự biến động.

Theo ông Việt Anh, giá vàng trên thế giới cũng có những yếu tố "bong bóng". Trong cùng một thời điểm, đôi khi không thể lý giải yếu tố cơ bản nào khiến vì sao trong một ngày giá vàng "chạy" từ 100 - 200 USD/ounce, sau đó lại quay trở lại. Do đó, khách hàng, người dân cần lưu tâm về những biến động mạnh như vậy thường có yếu tố mang tính chất thông tin, tác động chỉ là một chiều và cần phải chờ những thông tin điều chỉnh tiếp theo thì giá sẽ quay trở lại. Không được vội vã khi ra những quyết định lúc giá đang "chạy" mạnh như vậy.

Lý giải nguyên nhân giá vàng tăng cao, ông Việt Anh cho biết, hàm lượng vàng của một lượng vàng không thay đổi, giá trị vàng trên thế giới có tăng nhưng không tăng quá nhiều, vậy cơ sở nào mà giá tăng lên đến 10% được? Ở đây là câu chuyện sự kỳ vọng quá lớn và có tâm lý "bầy đàn" về việc lo ngại giá vàng sẽ tăng cao trong thời kỳ tiếp theo. 

Cùng với đó, thanh khoản, giao dịch của vàng SJC trên thị trường trong giai đoạn vừa qua rất ít. Và khi có một lượng cầu tăng đột biến thì giá ngay lập tức sẽ có biến động mạnh. 

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ” là do tình trạng độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trong khi tâm lý của người dân nước ta là tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro.

Khi cung lớn hơn cầu sẽ có tình trạng mất cân đối và giá vàng sẽ tăng. Trong bối cảnh đó, thị trường vàng trong nước lại không có hoạt động xuất nhập khẩu để điều tiết, để nếu trong nước giá cao thì nhập khẩu vào, còn nếu trong nước giá thấp, thế giới giá cao thì xuất khẩu ra để cân bằng. 

Ông Cường nhấn mạnh, chúng ta không cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, dẫn đến tình trạng giá vàng thế giới có thể tăng một chút nhưng giá vàng trong nước lại tăng rất cao.

Với tình trạng trên, chuyên gia này cho rằng sẽ “sinh lợi” cho hoạt động nhập lậu vàng. Buôn lậu tăng lên không những gây thất thu thuế, không tạo ra một thị trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng mà còn khiến tình trạng thất thoát về ngoại tệ.

Đề nghị lập sàn để hút 400 tấn vàng trong két nhà dân

Theo đề xuất của các chuyên gia, đã đến lúc phải xem vàng như một loại hàng hoá thông thường và ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp hoạt động kinh doanh vàng.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, cần phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. 

Nếu quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng, mà chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ, cùng với đó đóng vai trò quản lý dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Một trong những giải pháp phát triển thị trường vàng được các chuyên gia kiến nghị đó là thành lập Sàn giao dịch vàng và cho phép liên thông với thị trường vàng thế giới. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ được giữ ổn định và thu hẹp lại. Thị trường sẽ điều tiết giá vàng theo cơ chế cung cầu. 

Theo TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ bởi đây là loại hàng hóa đặc biệt. Vàng không chỉ là phương tiện đầu cơ mà còn là tài sản trú ẩn, phòng ngừa rủi ro nên một khối lượng vàng lớn khoảng 400 tấn nằm trong khu vực người dân.

Ông Đạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần huy động với điều kiện, tiêu chí cụ thể với thị trường vàng, Sở giao dịch vàng, thông qua việc tham khảo kinh nghiệm nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ. Cần thành lập quỹ tín thác bằng vàng. Chứng chỉ quỹ này có thể được đưa lên sở giao dịch hay tham gia các chương trình phái sinh hiện đại, mới giúp cho quỹ này có vai trò như quỹ bình ổn, giảm áp lực chính sách vĩ mô, góp phần giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7353766178016408/?