Bích Ngọc ·
33 tuần trước
 8691

Có dễ khi vay ngân hàng để trả nợ ngân hàng?

Từ đầu tháng 9, thực hiện theo quy định mới, một số nhà băng đã có các thông báo ưu đãi lãi suất cho khách hàng có nhu cầu vay trả khoản nợ cũ. Có thể sẽ có sự cạnh tranh lãi suất và giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay.

Một ngân hàng lớn trong nhóm Big 4 vừa qua đã có thông báo chính thức triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, trong đó lãi suất chỉ từ 6%/năm cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Theo ngân hàng này, khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác, nếu có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn đồng thời tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay, có thể đến để vay vốn nhanh chóng đồng thời còn có nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Những thông tin ưu đãi tương tự cũng đã xuất hiện tại một số nhà băng khác kể từ khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9/2023. 

Có thể thấy đây là một tín hiệu cho thấy một cuộc cạnh tranh lãi suất đầu ra có thể đang được “kích hoạt”. Lúc này các ngân hàng sẽ phải tìm cách hạ thấp lãi suất để không “vuột mất” khách hàng của mình “về tay” các ngân hàng khác.

Theo quy định cũ trước đây, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh (không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống). Còn quy định mới tại Thông tư 06 thì cho khách hàng trả nợ tại tổ chức tín dụng khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ cả hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng.

Có thể nói NHNN đang tạo ra sân chơi có tính cạnh tranh hơn bởi theo nội dung giải thích các quy định mới của Thông tư 06, cơ quan này cho rằng việc này sẽ giúp cho khách hàng có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác (nếu có).

Thực tế, các khoản vay phục vụ đời sống có thể có thời hạn rất dài (một khoản vay mua nhà có thể kéo dài từ 10 - 30 năm). Khi đã ký hợp đồng vay vốn, khách hàng vay có thể sẽ phải ràng buộc vào hợp đồng trong suốt thời hạn của khoản vay. Tuy nhiên, với các quy định mới (tại Thông tư 06), khách hàng có cơ hội để không phải ràng buộc bởi hợp đồng vay cũ tại ngân hàng cũ nếu thương lượng được với ngân hàng mới với các điều khoản mới và lãi suất mới có lợi hơn cho mình. Theo NHNN, quy định tại Thông tư 06 sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, đồng thời được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Có dễ “đảo nợ” ồ ạt?

Theo các chuyên gia, việc cho phép khách hàng vay khoản mới trả khoản cũ là yếu tố tạo ra cạnh tranh giữa các nhà băng, đặc biệt là cuộc cạnh tranh lãi suất từ đó có thể giúp lãi suất cho vay đầu ra giảm thấp hơn.

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng cho vay bất cứ khách hàng nào và với mục đích gì, thì cũng đều phụ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro của họ (lãi suất chính là hàm số của rủi ro). Theo đó, khách hàng nếu vay được khoản mới với lãi suất thấp hơn để trả khoản cũ với lãi suất cao hơn thì vẫn có lợi hơn.

Tuy nhiên trên thực tế thì việc “đảo nợ” có dễ thực hiện hay không? Nếu thực hiện được thì có thực sự có đủ đem lại lợi ích cho người đi vay hay không?

Trong các hợp đồng vay vốn có kỳ hạn dài, các nhà băng đều có quy định các khoản phí phạt trả nợ trước hạn. Thường thì trong các năm đầu phí phạt sẽ khá cao sau đó giảm dần trong các năm tiếp theo. Chính vì thế, trường hợp khách hàng vừa vay ngân hàng cũ chưa lâu sau đó muốn hủy hợp đồng vay để chuyển sang ngân hàng mới thì sẽ phải cân nhắc là lãi suất mới tuy có thấp hơn, nhưng có đủ để bù cho chi phí hủy hợp đồng trước hạn hay không.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6849490428443988/?