Lãi từ cho vay ký quỹ (margin) là khoản thu đáng kể trong hoạt động của đa phần công ty chứng khoán. Theo thời gian, “miếng bánh” từ margin ngày càng phình to.
Tại cuối năm 2023, theo dữ liệu ước tính dư nợ margin đạt khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng khoảng 15.000 tỷ đồng sau 3 tháng). Dư nợ margin cuối 2023 cũng là cao nhất kể từ quý II/2022.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Cuối năm, bức tranh margin có sự phân hóa giữa các công ty chứng khoán, với con số tăng trưởng của nhóm đơn vị top sau.
Trong quý IV, Chứng khoán Techcom (TCBS) tăng gần 3.800 tỷ đồng dư nợ cho vay, lên 16.258 tỷ đồng tại cuối năm, cùng với đó đã giành vị trí quán quân ngành chứng khoán. Nếu so với 1 năm trước, con số dư nợ đã tăng 80%. Đà tăng được kích hoạt kể từ sau khi TCBS được ngân hàng mẹ là Techcombank (TCB) tăng vốn vào quý II.
Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận dư nợ margin cuối năm trên 8.500 tỷ đồng, tăng 34% (tương ứng với 2.152 tỷ đồng sau 3 tháng). Trong quý cuối năm, Chứng khoán Vietcap (VCI) và Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng đáng kể với số tuyệt đối trên 2.000 tỷ đồng. Một số đơn vị như Chứng khoán HSC (HCM), VPS, FPTS (FTS) cũng gia tăng dư nợ margin.
Ngược lại, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) và VNDirect (VND) giảm dư nợ còn SSI gần như đi ngang ở mức 14.700 tỷ đồng.
Xu hướng gia tăng dư nợ margin đặt bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm trong năm 2023. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm giúp CTCK có dư địa giảm lãi suất margin. Trong năm qua, tín hiệu giảm lãi suất cho vay margin đã xuất hiện tại các đơn vị MASVN, Phú Hưng (PHS), TCBS hay VPBankS. Bên cạnh đó, làn sóng tăng vốn ngành chứng khoán giúp bổ sung lượng vốn vào nghiệp vụ cho vay margin.
Dư nợ margin hiện tại đã gần xấp xỉ giai đoạn bùng nổ của thị trường vào khoảng 1 năm rưỡi trước, khi VN-Index quanh 1.400 - 1.500 điểm (chỉ số hiện thấp hơn 1.200 điểm, tính đến 22/1/2024).
Thị trường chứng khoán năm 2024 được nhiều chuyên gia dự phóng tích cực. Tại báo cáo chiến lược 2024 của FIDT, nhóm phân tích kỳ vọng chỉ số và thanh khoản tiếp tục phục hồi nhờ các yếu tố như: thẩm thấu chính sách hỗ trợ vào nền kinh tế; lãi suất ở vùng thấp trong lịch sử; áp lực tỷ giá gần như không còn; tăng trưởng EPS từ mức nền thấp ở một loạt nhóm ngành.
Thanh khoản hồi phục sẽ có lợi rất lớn cho mảng môi giới và cho vay ký quỹ khi số lượng nhà đầu tư cũng như nhu cầu sử dụng đòn bẩy tăng trở lại. Trong khi chỉ số hồi phục từ mức định giá rẻ sẽ giúp danh mục tự doanh khởi sắc, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kết quả kinh doanh của các CTCK.
Kỳ vọng trên cũng phần nào được củng cố thông qua động thái sôi động trở lại trong cuộc đua tăng vốn vào cuối năm của nhiều doanh nghiệp trong ngành (dẫn đầu bởi SSI, HSC, ACBS hay VNDirect).
Một góc nhìn từ nhà đầu tư ngoại, theo dự báo của VinaCapital, tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam có thể đạt được mức 6-7%. Trong quá khứ Việt Nam cũng tăng trưởng trung bình xấp xỉ 6-7% trong khoảng 5-10 năm qua. Dự báo về tăng trưởng trái chiều của kinh tế Mỹ và Trung Quốc như trên cũng sẽ tạo thuận lợi cho kinh tế Việt Nam phát triển trong năm 2024, khi nước ta nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, ngược lại xuất khẩu sang Mỹ.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital, lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán có thể tăng nhanh, từ mức tăng 14% trong năm 2023 lên 38% trong năm 2024. Lãi suất thấp sẽ hỗ trợ giao dịch ký quỹ nhiều hơn, cùng với đó các hoạt động ngân hàng đầu tư vốn bị hoãn vào năm 2023 do nền kinh tế chậm chạp cũng có khả năng trong năm nay sẽ được tiếp tục mở rộng.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7326428900750136/?