Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 9851

Đại biểu Quốc hội: Liệu sắp tới có thêm vụ nào như SCB nữa không?

Phiên chất vấn ngày 6/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã đặt vấn đề rằng liệu sắp tới có khả năng xảy ra sự việc như tại ngân hàng SCB hay không?

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6, đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng về việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Đại biểu Thúy cho hay, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế ở việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và chưa đạt tiến độ đề ra. Bà Thúy đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân của tồn tại, hạn chế cùng giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý các tổ chức tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đã đặt vấn đề về hiện nay các ngân hàng thương mại cổ phần đang trong vòng kiểm soát đặc biệt của ngân hàng. Đại biểu này phản ánh, cử tri nhắn tin cho ông đặt vấn đề tình hình 4-5 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước đang trong diện kiểm soát đặc biệt của các Ngân hàng nhà nước. Liệu các ngân hàng này có xảy ra như vụ SCB nữa hay không, để khách hàng có thể gửi tiền yên tâm?

Trả lời chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu nhiều cái khó trong việc xây dựng đề án tái cơ cấu các nhà băng yếu kém.

Theo bà Hồng, bình thường đã khó, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động của kinh tế thế giới như thời gian qua thì tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc xây dựng đề án khó, phức tạp và chưa có tiền lệ, còn năng lực, kinh nghiệm của cán bộ tham gia xây dựng đề án này cũng chưa phải là có kinh nghiệm. Việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia trên cơ sở tự nguyện cũng rất khó khăn và cơ chế, chính sách, nguồn lực để hỗ trợ cho việc tái cơ cấu này cũng cần phải xin ý kiến các cơ quan liên quan để có một sự đồng thuận, thống nhất.

Bà Hồng cho hay, các ngân hàng này đã qua quá trình xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về chủ trương và cũng đang trong quá trình thực hiện các bước theo kế hoạch để trước khi hoàn thiện đề án chi tiết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẽ tổ chức thực hiện theo đúng đề án này.

Tuy vậy, bà Hồng không nêu trả lời vào câu hỏi của đại biểu là các ngân hàng kiểm soát đặc biệt liệu có xảy ra như SCB hay không.

Trước đó, phát biểu tranh luận với Thống đốc, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị)đã  đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc duy trì "room" tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không?

Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tổ chức các buổi tọa đàm với chuyên gia và đại biểu Quốc hội. Qua phân tích, đánh giá, các đại biểu đều thống nhất rằng, với đặc thù của nền kinh tế nước ta hiện nay, nguồn vốn phụ thuộc vào tín dụng của ngân hàng rất lớn. Nếu bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh, từ đó rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Đại diện SCB cho biết, sau hơn 1 năm được đưa vào kiểm soát đặc biệt, SCB đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.

SCB đến nay vẫn liên tục nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời, sát sao từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng để từng bước ổn định, xử lý các khó khăn, vướng mắc và tập trung xây dựng Đề án tái cơ cấu ngân hàng, hướng đến ổn định hoạt động ngân hàng và đưa SCB phát triển trong giai đoạn mới.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7042934889099540/?