Chiếm hơn một nửa trong số trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán vào tháng 5/2023 thuộc về nhóm Vingroup với 5.800 tỷ và Masan với 5.600 tỷ đồng.
Ngày cuối tháng sẽ là thời điểm đáo hạn của lô trái phiếu có giá trị 5.280 tỷ đồng do VinHomes (công ty con của Vingroup) phát hành vào năm 2020 có kỳ hạn 3 năm với lãi suất năm đầu 9%. 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 500 tỷ đồng do CTCP Phát triển Thành phố Xanh phát hành năm 2020 với lãi suất năm đầu là 9,5% ngày 29/05 sẽ đáo hạn. Trong đó, lô TPX.2020.03 có giá trị phát hành 300 tỷ và đã được mua lại trước hạn 100 tỷ.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Được biết, bà Nguyễn Thục Hiền là Tổng giám đốc CTCP Phát triển Thành phố Xanh. Bà Hiền là Chủ tịch, TGĐ và người đại diện pháp luật của một số công ty con và đơn vị thành viên của Vingroup.
Trên thực tế, vào tháng 5/2020, ngoài 2 lô kể trên, Thành phố Xanh cũng phát hành 2 lô khác với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng và đã mua lại trước hạn toàn bộ.
Trong tháng, nhóm Masan có 2 lô đáo hạn, trong đó bao gồm 2.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (đáo hạn 29/5) và 2.000 tỷ của Masan Group (đã đáo hạn vào 6/5 vừa qua).
Novaland “góp” 1.000 tỷ đáo hạn vào 18/5, FE Credit có 900 tỷ, Gelex có 700 tỷ...
Trong tuần đầu tháng 5, tập đoàn địa ốc mới nổi KITA Invest có 2.100 tỷ đáo hạn.
Doanh nghiệp mới ghi dấu chuỗi 17 phiên giảm sàn liên tục mất 80% giá trị - CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG) cũng có 300 tỷ đáo hạn.
Theo báo cáo tình hình thị trường trái phiếu quý 1/2023 của CTCK MBS mới đây, các nhà đầu tư trở nên dè dặt và lo ngại về những rủi ro chưa được giải quyết sau những biến động mạnh của thị trường trong năm 2022, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trong việc mua TPDN mặc dù các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Chính vì vậy, trong 2 tháng đầu năm thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn ra khá trầm lắng.
Sau khi vào ngày 5/3 NĐ 08/2023/NĐ-CP được ban hành, thị trường TPDN đã sôi động trở lại (đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản). Trong Quý 1, có 29.366 tỷ đồng TPDN được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm khoảng 59%.
Trong đó có tới 2.400 tỷ đồng được phát hành ra công chúng (chiếm khoảng 8% tổng khối lượng TPDN huy động). So với các năm gần đây, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều, điều này cho thấy chất lượng thị trường TPDN đang tiến bộ bởi kênh phát hành ra công chúng được đánh giá là minh bạch và công khai hơn.
Kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,5 năm, so với mức trung bình năm 2022 là nhiều hơn 0,1 năm. Lãi suất huy động bình quân 10,6%, so với bình quân năm 2022 cao hơn 1,3 điểm phần trăm
Ngày 23/4, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2023 quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN về quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đến hết năm 2023. Theo VNDirect đánh giá, đây là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa. Động thái trên một phần giúp tăng lực cầu trên thị trường trái phiếu, có lợi cho các ngân hàng hoạt động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy vậy, theo nhóm chuyên gia, điều này còn tùy vào khẩu vị rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh các ngân hàng này hiện tại cũng ưu tiên việc quản trị rủi ro/cân bằng chất lượng tài sản hơn mục tiêu tăng trưởng. Điều kiện kèm theo có thể giúp làm giảm rủi ro tín dụng/rủi ro chất lượng tài sản cho các ngân hàng khi mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp (đặc biệt là nhóm bất động sản). |