Tạ Nhị ·
44 tuần trước
 9168

Điện mặt trời mái nhà thiếu cơ sở pháp lý?

Điện mặt trời áp mái là một hình thức phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn năng lượng mặt trời, có nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, để lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời áp mái, các cá nhân, tổ chức cần tuân thủ các quy định về điện mặt trời áp mái của Nhà nước.

Hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư điện mặt trời áp mái nhà có công suất dưới 1 MW để phục vụ sản xuất cần phải phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị điện lực được EVN ủy quyền để xem xét, thực hiện theo các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ quy định của pháp luật về điện lực, đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy và chữa cháy, cùng các quy định khác có liên quan.

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia về năng lượng tái tạo, điện mặt trời mái nhà tự dùng ở các cơ sở sản xuất lớn đang gặp bế tắc trong việc kết nối với hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân là nguồn điện này không ổn định và không sẵn có 24/7, trong khi hoạt động của doanh nghiệp cần phải có điện 24/7, với sản lượng và điện áp ổn định để đảm bảo hoạt động liên tục. Vì thế, việc kết nối với hệ thống điện quốc gia để cân đối, bù trừ nhu cầu tiêu thụ điện là rất cần thiết.

Đáng nói là, nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để tự dùng tại chỗ hiện nay là không hề nhỏ. EVN và các đơn vị điện lực đã nhận được không ít kiến nghị về việc được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng tại chỗ, không bán điện lên lưới điện của ngành điện.

Điển hình như Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam, tổ chức được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư và Quỹ phát triển Chính phủ Na Uy và Phần Lan muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại; Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam thuộc Tập đoàn Toray Nhật Bản đầu tư điện mặt trời mái nhà tại hệ thống nhà máy của Công ty để sử dụng nội bộ; Sở Công thương Tiền Giang đề nghị lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc của 8 sở, ngành và Trung tâm Hành chính công tỉnh Tiền Giang…

EVN cũng cho hay, do các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị điện lực, nên việc không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển nguồn điện tái tạo để tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực của các chủ đầu tư và địa phương.

Tuy nhiên, nếu EVN chấp thuận, thì lại chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng.

Phía EVN cũng cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện tự chịu rủi ro khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng bị sự cố và lưới điện không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại cùng thời điểm.

Như vậy, dù doanh nghiệp có đầu tư điện mặt trời mái nhà tự dùng, thì ngành điện vẫn phải đầu tư hạ tầng để dự phòng cho khách hàng và không biết khi nào được huy động. Điều này cũng khiến chi phí sản xuất điện của hệ thống bị đội lên, gây lãng phí trên bình diện chung. Vì vậy, rất cần quy định rõ ràng.

Đợi quy định đến bao giờ

Trước tình hình khó khăn về cung ứng điện, những ngày qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên tiếp có các cuộc họp, chỉ đạo những giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, nhất là đối với miền Bắc.

Tại cuộc họp ngày 3/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện. Trong đó có yêu cầu Bộ Công Thương, EVN nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền trong tháng 6/2023 về các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời mái nhà phục vụ mục đích tự sản, tự tiêu (nghiên cứu đối với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân…), bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.

Ngày 6/6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 517/CĐ-TTg với nhiều nội dung chỉ đạo cấp bách nhằm huy động hiệu quả mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện; chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện; tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.

Tiếp đó ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Sáng 10/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một số bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch Điện 8 là phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Với thực tế chưa biết bao giờ các cơ quan chức năng xây dựng xong các quy trình rõ ràng, có thể thấy, đề nghị của các doanh nghiệp đang đi vào ngõ cụt, đồng nghĩa với dự án năng lượng xanh không phát huy được ưu điểm, dù rất sẵn sàng.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6578954908830876/