Thành Phong ·
46 tuần trước
 7257

Khuyến nghị của Tổ chức quốc tế đối với Việt Nam về phát triển điện mặt trời mái nhà

Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) khẳng định, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ EVN trong việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian tới.

Đây là khẳng định được GIZ đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) theo cơ chế tự sản tự tiêu không bán lên lưới (zero export) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức.

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh hệ thống điện đang gặp khó khăn về nguồn cung, nhất là các tỉnh/thành phố phía Bắc thì việc tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời mái nhà là hết sức cần thiết. EVN cũng đã có các văn bản kiến nghị với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà không phát điện lên lưới.

Nhân cơ hội này, EVN bày tỏ mong muốn sẽ được chia sẻ, trao đổi nhiều kinh nghiệm, bài học quý báu của Đức cũng như các quốc gia khác trong việc xây dựng chính sách, vận hành và điều độ hệ thống ĐMTMN để góp phần khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu cho các cơ quan công sở, hộ gia đình, cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất công nghiệp tại Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Ông Nathan Moore - Giám đốc dự án điện mặt trời mái nhà trong ngành thương mại và công nghiệp (của GIZ) khẳng định: Tổ chức này sẵn sàng hỗ trợ EVN, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam trong việc đưa ra các khuyến nghị phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận chuyên sâu về các vấn đề như: Bài học phát triển điện mặt trời mái nhà trên thế giới, kinh nghiệm tính toán khung giá điện mặt trời mái nhà, các chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu v.v…

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn cấp cao Vietnam Industry 4.0 Summit 2023, Huawei cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho Việt Nam, thông qua chủ đề “Giải pháp công nghệ điện mặt trời cho Việt Nam”.

Tại đây, Huawei Digital Power chỉ ra 3 yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng tượng từ "tài nguyên thiên nhiên" sang "đổi mới sáng tạo công nghệ" gồm: Sự đồng hành chặt chẽ trên toàn cầu trong việc thực hiện mục tiêu trung hoà carbon; Đảm bảo an ninh năng lượng để đạt được mục tiêu độc lập năng lượng và Những tiến bộ của công nghệ mang lại giá trị kinh doanh.

Thông qua đó, phía Huawei đã đề xuất các giải pháp cho công nghệ điện mặt trời Việt Nam. Giải pháp điện mặt trời thông minh FusionSolar 8.0; Giải pháp điện mặt trời thông minh C&I 2.0; Giải pháp “1+4+X”... Đây sẽ là cơ sở để Việt Nam tiếp thu và phát triển các loại hình điện mặt trời trong bối cảnh hiện nay.

Đến nay, Việt Nam đã phát triển được 103.720 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất khoảng 9.602 MWp, chiếm khoảng 10% công suất đặt của hệ thống điện quốc gia.

Các dự án năng lượng tái tạo nói chung và ĐTMMN nói riêng đã đóng góp tích cực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung do ảnh hưởng của hiện tượng El nino và giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao như hiện nay.

Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt rrời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025. Chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện Mặt Trời trên mái nhà tại Việt Nam.

Chương trình gồm năm hợp phần: Xây dựng và hoàn thiện chính sách, quy định hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng sẵn sàng chuyển đổi sang điều kiện thị trường; Tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm; Thúc đẩy các điều kiện thị trường và chương trình tài trợ thí điểm; Chương trình Chứng chỉ Điện mặt trời áp mái và cấp chứng chỉ điện mặt trời áp mái; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và Chiến lược truyền thông.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6531054896954211/