Tạ Nhị ·
44 tuần trước
 8976

Hiểu đúng về điện mặt trời mái nhà để không làm sai

Với những chính sách hỗ trợ gần đây của Chính phủ, người dân càng ngày càng quan tâm đến điện mặt trời. Vì vậy, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cần được hiểu theo hướng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Tiết kiệm hay kinh doanh?

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, các dự án lưới điện gặp khó khăn về thủ tục giải phóng mặt bằng, thì cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cần được hiểu theo hướng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Nghĩa là các hộ gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp…có thể tận dụng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm giảm bớt áp lực về điện cho ngành điện; tiết giảm chi phí tiền điện hàng tháng, góp phần giảm bảo vệ môi trường. Sau cùng, nếu nguồn điện thừa sẽ bán lại cho ngành điện.

Như vậy theo thứ tự ưu tiên, mục đích tiết kiệm điện phải đặt lên hàng đầu. Thế nhưng trong quá trình triển khai cơ chế của Chính phủ, dường như tất cả chủ đầu tư lại đặt mục tiêu bán điện lên hàng đầu. Điều này dẫn đến “phong trào” nhà nhà làm điện mặt trời mà không xét đến các yếu tố kỹ thuật, an toàn, lưới điện trung, hạ áp hay phân phối. Thậm chí nhiều người còn lợi dụng chính sách để trục lợi như việc lập trang trại chăn nuôi, lắp điện mặt trời để bán cho ngành điện với giá cao, thời gian lên tới 20 năm.

Chính “tư duy kinh doanh” đã dẫn đến những vướng mắc, tồn tại và cả những sai phạm mà trong công bố kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà được Bộ Công Thương thông tin vào tháng 3/2022.

Theo Bộ Công Thương, việc phát triển điện mặt trời trong thời gian qua còn tồn tại một số bất cập như: Các nhà đầu tư phát triển tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn, trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải.

Phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực ĐMTMN mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân, chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư. Do đó, trong quá trình chuẩn bị, triển khai đầu tư, xây dựng, nghiệm thu, đưa vào sử dụng, một số chủ đầu tư chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường,… mà chủ yếu tập trung và quan tâm đến việc đấu nối chuyên ngành điện lực, hoàn thành lắp đặt thiết bị điện và xác nhận ngày vận hành để đưa vào phát điện.

Bộ Công Thương nhìn nhận, việc phát triển ĐMTMN trong thời gian vừa qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng độ tin cậy cung cấp điện.

Khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái

Quan điểm trong Quy hoạch Điện 8 là "ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu". Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp".

Trong khi đó việc phát triển loại hình nguồn điện này còn thiếu các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư. Tại đề xuất gửi Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp (DN) để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, Bộ Công thương đề xuất các cơ chế như được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Hiện các tỉnh miền Bắc còn nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà với cường độ bức xạ trung bình ngày trong năm khu vực miền Bắc khoảng 4 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khoảng 1.500 - 1.700 giờ. Trong khi đó, chi phí sản xuất điện mặt trời cũng đang giảm nhanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ của khách hàng sử dụng điện (không phát điện lên lưới) là một trong những giải pháp cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo.

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi...

Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.

Dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ, ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.

Các cơ chế khuyến khích được Bộ Công Thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6552925891433778/