Tạ Nhị ·
46 tuần trước
 7953

Làm sao để khai thác hiệu quả tiềm năng điện mặt trời mái nhà?

Thời gian qua, điện mặt trời mái nhà đã phát huy khá hiệu quả ở khu vực miền Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh nguồn cung ứng điện ở miền Bắc thiếu hụt trong những ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, việc khai thác điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc cũng đã được đặt ra.

Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong top 10 nơi có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. (Ảnh:ITN)

Tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà của Việt Nam

Thế giới đang đẩy nhanh sử dụng năng lượng tái tạo với tốc độ chưa từng thấy và năng lượng mặt trời là một trong những nguồn năng lượng hàng đầu.

Dù nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm 4,5% trong năm 2020, các công nghệ năng lượng tái tạo vẫn cho thấy những bước phát triển đầy tiềm năng. Trong năm ngoái, thế giới đã lắp đặt thêm hơn 127 gigawatt (GW) - tương đương 127.000 triệu Watt (W) năng lượng mặt trời - mức tăng theo năm lớn nhất từ trước đến nay.

Hiện dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt năng lượng mặt trời là Trung Quốc 254.355 Megawatt (MW), chiếm 35,6% tổng số toàn cầu. Theo sau là Mỹ với 75.572MW, chiếm 10,6% toàn cầu. Công suất năng lượng mặt trời trên đầu người của Trung Quốc và Mỹ lần lượt là 147 và 237 Watt/người. (1 Megawatt = 1 triệu Watt).

Việt Nam hiện xếp thứ 8 trong top 10 nơi có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới với 16.504MW, chiếm 2,3% toàn cầu. Công suất trên đầu người của Việt Nam là 60W/người.

Các quốc gia còn lại trong top 10 gồm:  Nhật Bản (9,4%), Đức (7,5%), Ấn Độ (5,5%), Italy (3%), Australia (2,5%), Hàn Quốc (2%) và Tây Ban Nha (2%).

Theo đó, các chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo khá dồi dào và đa dạng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối… Trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam có tiềm năng lớn về điện mặt trời mái nhà với độ bức xạ đạt từ 4,2 đến 4,8 kWh/m2/ngày.

Điện mặt trời trên mái nhà tính chất phân tán, tiêu thụ tại chỗ, thời gian phát chủ yếu vào ban ngày sẽ làm giảm áp lực về phụ tải lưới điện và giảm gánh nặng về đầu tư hệ thống. Không những thế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà còn giúp người dân và doanh nghiệp giảm chi phí tiền điện do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm, giảm giá mua điện bậc cao.

Việc phát triển điện mái nhà không tác động đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái là một trong những giải pháp tăng cường cung cấp điện đối với khu vực có nguy cơ thiếu điện.

Cần có chính sách mạnh để khuyến khích điện mặt trời áp mái

Trên lý thuyết, trong những ngày nắng nóng cao điểm dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay, chúng ta đang để "thất thoát" một lượng năng lượng điện mặt trời khổng lồ, mà nếu tận dụng thì hoàn toàn có thể cung ứng điện sinh hoạt cho phần lớn hộ gia đình.

Thực tế, sau thời gian khuyến khích người dân lắp ĐMT áp mái, EVN đã thông báo dừng việc tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu nối, ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống ĐMT mái nhà sau ngày 31/12/2020, nguyên nhân là do áp lực truyền tải.

Chính sách đó của EVN đúng hay sai đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận. Nhưng tại sao trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay lại không vận động người dân, các tòa nhà công sở, nhà xưởng của doanh nghiệp, nhà máy đẩy nhanh tốc độ lắp ĐMT mái nhà để tự tiêu dùng (không bán, phát trên lưới điện quốc gia)?

Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ này. Để đạt được cam kết trên đối với một quốc gia đang phát triển như VN là thách thức rất lớn. Các quốc gia phát triển cũng đã cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển về công nghệ cùng nhiều thiết chế tài chính khác. Mới đây nhất, hôm 04/6/2023 Thủ tướng Australia - Anthony Albanese đã công bố gói hỗ trợ 105 triệu AUD cho hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở VN.

Vì vậy, có thể sử dụng các nguồn tài trợ đó, khuyến khích, có chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển ĐMT áp mái, cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu và nhanh nhất để bảo đảm an ninh năng lượng.

Chính sách không chỉ dừng lại ở lý thuyết

Ngày 13/6/2023, Bộ Công thương vừa có dự thảo số 74/BC-BCT "Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam". Theo đó ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW.

Theo dự thảo, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện này sẽ chỉ áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp (DN) để tự sử dụng, không phát lên lưới. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở sẽ được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện. Tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống này sẽ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; miễn, giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định... Bộ Công thương sẽ có các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn các chính sách ưu đãi cụ thể, nếu dự thảo được thông qua.

Đề xuất này phù hợp với Quy hoạch điện VIII: "Có chính sách ưu tiên, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu".

Ngành điện đang đi rất chậm trong việc khuyến khích năng lượng mặt trời áp mái. Đặc biệt sau khi EVN thông báo việc dừng đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà sau ngày 31/12/2020, điện mặt trời áp mái gần như dậm chân tại chỗ.

Theo Bộ Công thương, vấn đề căn bản là nếu cho phép các DN lắp đặt điện áp mái nhà xưởng ngay từ bây giờ thì sẽ ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện. Khi hệ thống điện mái nhà không bảo đảm công suất phụ tải thì phải có nguồn bù vào và ngành điện sẽ phải có nguồn dự trữ sẵn sàng để bù đắp. Vì vậy cần phải có thời gian để Bộ Công thương nghiên cứu chính sách, kiểm soát công suất cho phù hợp với hệ thống, tránh phát triển ồ ạt.

Vậy vì sao với hệ thống thống điện mái nhà tự tiêu thụ, nếu không bảo đảm công suất phụ tải thì ngành điện có nguồn dự phòng bù đắp, phù hợp với công nghệ và kỹ thuật để bảo đảm nguồn điện và an toàn cho hệ thống? Đây chính là vướng mắc trong vận hành hệ thống, làm chậm tiến độ xanh hóa nguồn điện, mà Bộ Công thương cần phải khắc phục ngay, để tránh lãng phí. Điều này lại đòi hỏi hàng loạt vấn đề khác liên quan đến việc bảo đảm phụ tải, truyền tải.

Do vậy, ngành điện cần sớm hiện đại hóa, đặc biệt trong truyền tải, các vấn đề kỹ thuật liên quan để chuyển đổi năng lượng sạch, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần là việc thiếu điện trong mùa nắng nóng.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6576340909092276/