Bích Ngọc ·
37 tuần trước
 8946

Động lực nào để cổ phiếu NVL trong thời gian tới tiếp tục đi lên?

Dù lỗ hơn 600 tỷ đồng nửa đầu năm nay, Tập đoàn Novaland vẫn đặt mục tiêu có lãi cả năm nay. Cổ phiếu NVL cũng được một số hãng chứng khoán đưa ra khuyến nghị tích cực hơn.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm nay báo lỗ 611 tỷ đồng thế nhưng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Tập đoàn Novaland, mã cổ phiếu NVL – sàn HoSE) vẫn tự tin đặt mục tiêu trong nửa cuối năm nay lãi ròng 825 tỷ đồng. Qua đó, Tập đoàn Novaland kỳ vọng sẽ ghi nhận có lãi trở lại sau mức lỗ hơn 400 tỷ đồng trong năm 2022.

Bên cạnh đó, một số hãng chứng khoán cũng đưa ra nhận định tích cực về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Novaland, cùng với khuyến nghị về việc nắm giữ cổ phiếu NVL trong thời gian tới.

Cơ sở để Tập đoàn Novaland đạt được mục tiêu kinh doanh nêu trên là gì?

Nhìn vào Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của Tập đoàn Novaland cho thấy, tổng tài sản của tập đoàn này tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 257.245 tỷ đồng (so với thời điểm đầu năm gần như tương đương).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Đáng chú ý, tập đoàn này có giá trị hàng tồn kho lên đến 139.010 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm (tương đương 54% tổng tài sản). Đây được biết là mức tồn kho cao kỷ lục của Tập đoàn Novaland.

Trong đó, giá trị tồn kho bất động sản đang xây dựng là gần 127.800 tỷ đồng, tương đương 92% tổng giá trị hàng tồn kho, chủ yếu gồm các khoản chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và các chi phí khác trực tiếp liên quan đến các dự án.

Giá trị tồn kho bất động sản đã xây dựng xong dùng để bán của Tập đoàn Novaland là 11.100 tỷ đồng, tương đương 8% tổng giá trị hàng tồn kho.  So với hồi đầu năm nay, giá trị của khoản mục này đã giảm hơn 700 tỷ đồng.

Tập đoàn Novaland hiện không cho biết chi tiết giá trị hàng tồn kho hiện đang được phân bổ tại từng dự án như nào. Dựa vào các báo cáo trước đây thì lượng tồn kho của Novaland chủ yếu nằm tại các siêu dự án, gồm: NovaWorld Phan Thiet (tỉnh Bình Thuận), NovaWorld Hồ Tràm (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), và Aqua City (tỉnh Đồng Nai).

Đây cũng chính là những dự án được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong những ngày vừa qua. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận vào ngày 7/8 đã thông tin cho biết chủ trương đầu tư của dự án NovaWorld Phan Thiết với quy mô 5 tỷ USD được giữ nguyên, cho phép Tập đoàn Novaland chuyển sang trả tiền thuê đất một lần với phần diện tích xây dựng biệt thự và khu phố thương mại. Cùng với đó, sau khi Tập đoàn Novaland hoàn thành nghĩa vụ tài chính, các hồ sơ pháp lý đất đai của dự án này sẽ được xem xét điều chỉnh xử lý.

Vào ngày 4/8, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cũng đã cho phép Tập đoàn Novaland đưa vào kinh doanh các căn nhà ở thấp tầng thuộc phân khu I và V của dự án Aqua City vốn có tổng giá trị đầu tư, phát triển là 8 tỷ USD.

Về các dự án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cho hay, tại đây các dự án hầu hết đã được Lãnh đạo địa phương phê duyệt giải quyết. Tổ Công tác của Chính phủ và các bộ ban ngành tận tình hướng dẫn và địa phương đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn.

Gần đây, UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc đối với dự án The Grand Manhattan tọa lạc tại Q.1 với giá trị hơn 650 triệu USD của Tập đoàn Novaland.

Bên cạnh đó, dựa vào dữ liệu cho thấy, tính tới cuối quý 2/2023, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của Tập đoàn Novaland đã tăng hơn 7% (lên mức 17.155 tỷ đồng). Chủ yếu đây là các khoản tiền trả trước của khách hàng theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản để bán cho các dự án thuộc Tập đoàn Novaland.

Khi tập đoàn này hoàn thành và bàn giao các bất động sản đã xây dựng hoàn thành cho khách hàng thì các khoản tiền này sẽ được ghi nhận là doanh thu 

Như vậy, việc các dự án lớn của Tập đoàn Novaland được tích cực tháo gỡ vướng mắc pháp lý để tiếp tục triển khai và tiến tới đưa vào vận hành, kinh doanh là căn cứ quan trọng nhất để giúp hoạt động của tập đoàn này dần phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Ngoài ra, việc các đại dự án được thông suốt về mặt pháp lý và tác động của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ giúp các trái chủ và chủ nợ sẽ nhìn nhận lại khả năng thanh toán của Tập đoàn Novaland. Điều này được thể hiện qua việc Tập đoàn Novaland đã có thể tái khởi động lại một số dự án (Grand Manhattan, Victoria Village, Nova World Phan Thiết), cùng với đó tái tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng (Ngân hàng Quân đội - MBBank) và nhà thầu thi công (Ricons, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình).

Trong nửa cuối năm nay, Tập đoàn Novaland cho hay, doanh nghiệp này tiếp tục tập trung phát triển và bàn giao theo đúng cam kết với người mua nhà các dự án Saigon Royal Residence, Grand Manhattan, Palm City, Aqua City, Aqua Riverside City và Aqua Waterfront City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm. Từ đó, sẽ giúp doanh nghiệp có thể ghi nhận lợi nhuận trở lại. Đồng thời, kết quả kinh doanh phục hồi có thể thúc đẩy giá cổ phiếu NVL đi lên.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8, cổ phiếu NVL đạt 20.900 đồng/cổ phiếu, đây là vùng giá cao nhất 8 tháng trở lại đây. 

Kể từ cuối tháng 7 đến nay, cổ phiếu NVL trong những phiên giao dịch gần đây đã có nhịp tăng mạnh bất chấp sự điều chỉnh của thị trường chung.

Cổ phiếu NVL đã tăng hơn 41% (tính từ ngày 21/7 đến ngày 11/8)với thanh khoản tăng đột biến so với thông thường. So với mặt bằng chung của thị trường thì đây cũng là mức tăng vượt trội.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6731641993562166/?