Bích Ngọc ·
1 năm trước
 9182

Tiền vào “ồ ạt” đẩy NVL tăng hết biên độ lên cao nhất trong vòng hơn 7 tháng

Được biết, VN-Index tiếp tục đà đi lên, với thanh khoản gần chạm mức tỷ USD. Dòng tiền chảy mạnh vào cổ phiếu nhóm bất động sản – xây dựng?

Kết phiên hôm nay (ngày 24/7), chỉ số sàn HoSE đứng ở mốc 1.190,72 điểm, so với kết phiên cuối tuần trước tăng 4,8 điểm. Đây tiếp tục là mức đỉnh của VN-Index trong năm nay. HNX-Index tăng 1,55 điểm và UPCoM tăng 0,54 điểm.

Theo đó, tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn là hơn 23.100 tỷ đồng, con số này gần chạm mức tỷ USD, riêng kênh khớp lệnh chiếm 21.200 tỷ đồng. Tuy vậy, khối ngoại trên sàn HoSE lại không hòa chung xu hướng khi chỉ giao dịch gần 2.200 tỷ đồng và bán ròng 333 tỷ đồng.

Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 24/7. Nguồn ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, bị nhà đầu tư nước ngoài “xả” mạnh nhất tiếp tục là MSB với giá trị bán ròng 143 tỷ đồng. Nhiều phiên trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng này đã bị khối ngoại bán mạnh. Danh sách bán ròng còn có SSI với 70 tỷ đồng, NLG với 40 tỷ đồng, VCB, POW trên 30 tỷ đồng và  PNJ, CTG 28 tỷ đồng…

Về chiều mua ròng không có mã nào đột biến. VIB và KDH là hai mã dẫn đầu, giá trị mua ròng chỉ hơn 30 tỷ đồng. VHM, VNM cũng được mua ròng khoảng 25 tỷ đồng còn VPB, NVL, MSN, VGC hơn 10 tỷ đồng.

Tâm điểm giao dịch hôm nay thuộc về NVL khi ngay từ đầu phiên nhận được lực cầu mạnh mẽ. Cổ phiếu của Novaland khớp lệnh chóng mặt và kết phiên với khối lượng giao dịch lên đến gần 96 triệu đơn vị (tương đương 4,92% tổng lượng cổ phiếu lưu hành).

Theo đó, con số gần 96 triệu cổ phiếu là khối lượng khớp lệnh một phiên lớn thứ 3 mà NVL từng ghi nhận trong lịch sử niêm yết, sau 2 phiên 22/11 (128,5 triệu đơn vị) và 28/11 (104,25 triệu đơn vị). Ở thời điểm đó, cổ phiếu này bắt đầu có dòng tiền bắt đáy vào giải cứu sau nhịp rơi tự do với nhiều phiên giảm sản “tắt” thanh khoản liên tiếp.

Trong phiên hôm nay tiền vào “ồ ạt” đã đẩy NVL tăng hết biên độ lên mức 16.200 đồng/cp (cao nhất trong vòng hơn 7 tháng kể từ trung tuần tháng 12 năm ngoái). NVL đã tăng 58% thị giá so với thời điểm xuống đáy lịch sử vào đầu tháng 3. Sau chưa đầy 5 tháng vốn hóa thị trường tương ứng tăng thêm 11.600 tỷ đồng, đạt hơn 31.500 tỷ đồng.

Tại nhóm VN30, bên cạnh NVL thì còn có MWG đạt tỷ lệ tăng tốt +3,8% (lên mức giá 54.500 đồng). Cổ phiếu đầu ngành bán lẻ trong phiên thứ Sáu tuần trước cũng nhận được lực cầu lớn, tăng trần và khớp lệnh đột biến hơn 11 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu không tránh được sự phân hóa ở vùng giá cao sau thời gian tăng mạnh. Chẳng hạn nhóm bán lẻ, trong khi MWG tăng mạnh thì FRT và DGW lại đảo chiều giảm. Thời gian qua MWG là cổ phiếu “đi chậm” nhất trong nhóm này.

Tương tự, nhóm xây dựng cũng chứng kiến diễn biến trái ngược giữa các cổ phiếu. Khi CTD giảm sàn, HBC giảm hơn 3% thì VCG, PHC, CC1, HAN đồng loạt tăng trần. LCG cũng tăng mạnh 5,8%, HHV tăng 3,2%, FCN tăng 2,6%...

Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán – ngân hàng ghi nhận sắc xanh nhiều hơn. Nhóm chứng khoán có TVS tăng trần, ABW tăng 4,3%; SBS, SHS, CTS, EVS tăng hơn 3%; VND, VIX tăng hơn 1%. Ngược lại, SSI, HBS, MBS, TVB, VCI, VDS giảm nhẹ với mức điều chỉnh không lớn.

Ở nhóm ngân hàng có SHB là tăng mạnh nhất +3,3%. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để SHB phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 18%. Còn VIB, VPB, VBB, MSB tăng hơn 2%. Chiều giảm thì có STB, TPB, VCB, PGB, NAB, BAB, ACB nhưng điều chỉnh không đáng kể.

Có thể thấy, VN-Index đã bứt phá hoàn toàn khỏi vùng kháng cự ngắn hạn quanh khu vực 1.175-1.180 điểm. Chỉ báo trong tuần này sẽ thử thách lại vùng đỉnh 10 năm trước, tại quanh ngưỡng 1.200 điểm.

Ngưỡng cản trên có thể thúc đẩy lực bán chốt lãi ngắn hạn ở những nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt trong những phiên gần đây, làm chậm lại đà tăng của chỉ số chung và cũng không loại trừ khả năng làm xuất hiện những nhịp điều chỉnh giảm. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là đường EMA5, EMA10 ngày hiện đang nằm tại 1.170-1.175 điểm.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6660183767374656/?