Sơn Lâm ·
1 năm trước
 3611

Du lịch xanh là gì? Tiềm năng phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam

Hiện nay, sống xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của tương lai. Nhu cầu không chỉ dừng lại ở ăn uống, hít thở, mà còn ở du lịch, giải trí.

Du lịch xanh là gì?

Du lịch xanh được hiểu một cách đơn giản là mô hình du lịch được hình thành trên cơ sở khai thác có hiệu quả và phát triển theo hướng tích cực các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Mô hình du lịch xanh đã có từ lâu tại nhiều nước trên thế giới. Từ khóa “du lịch xanh” mới chỉ được du khách nước ta tìm kiếm và biết đến trong vài năm gần đây. Tuy loại hình du lịch xanh khá mới mẻ với du khách trong nước nhưng nó lại nhanh chóng tạo dấu ấn và thu hút sự chú ý. Du lịch xanh còn được biết tới với tên gọi khác là du lịch sinh thái.

Ở Việt Nam, bên cạnh các loại hình du lịch phổ biến, xu hướng du lịch xanh đang ngày càng lan rộng và được nhiều người yêu thích.

Tác dụng tích cực nhất mà du lịch xanh đem lại đó là góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần khan hiếm. Bởi môi trường sống của chúng ta đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt. Việc xây dựng và phát triển mô hình du lịch xanh khiến hệ sinh thái được bảo vệ. Nhờ đó tài nguyên thiên nhiên không bị khai thác bừa bãi, trái phép và việc bảo tồn đa dạng sinh học cũng được duy trì, phát triển.

Sản phẩm xanh được tạo ra từ mô hình du lịch xanh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng ô nhiễm. Hầu hết rác thải từ loại hình du lịch xanh đều là rác thải hữu cơ, dễ phân hủy. Vì thế chúng không gây tác động xấu đến môi trường sống. Ngoài ra mô hình du lịch xanh còn ưu tiên sử dụng đồ dùng tự nhiên, đồ handmade, tái chế. Điều này giúp hạn chế tối đa việc sử dụng các chế phẩm hóa học – một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường.

Trong mỗi chuyến du lịch, giảm thiểu các vật dụng làm từ nhựa là vô cùng cần thiết

Du lịch xanh làm gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Mô hình du lịch xanh đưa du khách tới gần hơn các khu vực ít người biết tới. Những nơi này có địa hình rừng núi là chủ yếu, phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ nhưng đường đi lắt léo, hiểm trở. Bởi vậy việc tìm kiếm việc làm của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhờ du lịch xanh mà họ có thêm việc làm, kiếm tiền để trang trải cuộc sống như buôn bán đặc sản địa phương hay làm việc tại các homestay, nhà hàng ăn uống…

Loại hình du lịch này còn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ du lịch xanh mà nét đặc trưng văn hóa của từng vùng được quảng bá rộng rãi hơn tới du khách trong nước và quốc tế. Phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực nổi tiếng của địa phương được đưa vào mô hình du lịch xanh một cách khéo léo và tinh tế.

Tiềm năng du lịch xanh Việt Nam

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch xanh với ưu đãi vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu và điều kiện tự nhiên, bao gồm đường bờ biển dài hơn 3.000 km và rừng cây xanh cảnh quan hùng vĩ. Việt Nam tự hào có hơn 125 bãi biển và nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu cho những vịnh đẹp nhất trên thế giới.

Ngoài các tiềm năng tự nhiên, Việt Nam còn có bề dày văn hóa với 54 dân tộc hàng nghìn năm dựng nước, đấu tranh giữ nước với nhiều truyền thống có những nét đặc trưng riêng, di tích văn hóa lịch sử.

Chỉ tính riêng về các di tích, trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng. Tiêu biểu nhất Cố Đô Huế; đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Quần thể Di tích Tràng An di sản văn hóa Việt Nam với hệ thống thực vật phong phú, rừng nguyên sinh và hệ sinh thái đã được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Ngoài các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nhiều nghề thủ công truyền thống với kỹ năng độc đáo, nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của cộng đồng 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực được hòa quyện, đan xen trên nền kiến trúc phong cảnh có giá trị triết học phương Đông đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.

Các giá trị văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch cho một quốc gia

Đó là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch xanh. Mặt khác, Việt Nam cũng là một quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy, chúng ta càng cần phải phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững.

Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn kiên định với những giá trị bền vững về phát triển du lịch. Du lịch Việt Nam đã tạo dựng và xác lập trong lòng du khách quốc tế với thông điệp "Việt Nam - đất nước an toàn", hình ảnh "Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn", một điểm đến với "vẻ đẹp bất tận".

Thời gian qua, một số địa phương, công ty lữ hành, khách sạn đã có sự chú phát triển du lịch xanh, như một số tỉnh Tây Bắc, Quảng Bình, Nghệ An… phát triển du lịch cộng đồng; Huế phát triển du lịch nhà vườn; Nha Trang phát triển du lịch biển đảo; một số tỉnh Nam Bộ phát triển du lịch miệt vườn. Nhiều công ty lữ hành xây dựng các tour du lịch xanh; khách sạn đạt chứng chỉ xanh…

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái là một cách đảm bảo thịnh vượng của du lịch. Trong kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 do Chính phủ phê duyệt, du lịch xanh trở thành điểm nhấn phát triển của du lịch Việt Nam, góp phần xây dựng văn hóa tôn trọng và bảo vệ môi trường, cung cấp trải nghiệm tích cực cho du khách, mang lại sự phát triển bền vững cho địa phương.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế xã hội của nước ta nói chung, du lịch xanh là loại hình cần được đẩy mạnh phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý các thế mạnh tiềm năng của tài nguyên du lịch Việt Nam. Để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, phối kết hợp đồng bộ thể hiện ở 3 lĩnh vực chủ yếu: chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

Trong tương lai không xa, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Du lịch theo định hướng mà Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ, chắc chắn du lịch xanh sẽ là tiền đề để phát triển du lịch bền vững, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.