Tạ Nhị ·
50 tuần trước
 6747

Bộ Công thương chỉ đạo nóng EVN?

Tại hai văn bản "nóng" mới ban hành, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.

Ngày 25/5, Bộ Công Thương có văn bản về việc triển khai thực hiện Thông báo số 182/TB-VPCP ngày 17/5 của Văn phòng Chính phủ gửi gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Điều tiết điện lực.

Ảnh minh họa.

Theo đó, thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 182/TB-VPCP, tiếp theo Công văn số 3184/BCT-ĐTĐL ngày 24/5 về việc đàm phán giá tạm thời của các nhà máy điện chuyển tiếp và ý kiến tại cuộc họp cùng ngày về việc đàm phán giá tạm để sớm đưa các nhà máy điện chuyển tiếp đi vào vận hành trong giai đoạn đàm phán, thống nhất giá điện chính thức giữa Bộ Công Thương, EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện chuyển tiếp, Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương thực hiện:

Với các dự án đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định: EVN khẩn trương đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới điện.

Với các nhà máy điện chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm thời, đề nghị EVN khẩn trương ký kết hợp đồng mua bán điện và rà soát các thủ tục để sớm cho vận hành phát điện lên lưới điện. Các nhà máy điện còn lại, EVN khẩn trương thoả thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư trước ngày 27/5 để trình Bộ Công Thương phê duyệt và tiến hành đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng mua bán điện.

EVN chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp các chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến EVN như thoả thuận đấu nối (nếu đã hết hạn) trước ngày 27/5; hoàn thành thực hiện các thử nghiệm theo quy định tại Quyết định số 25/QĐ-ĐTDL ngày 16/3 của Cục Điều tiết điện lực trước ngày 27/5 đối với các nhà máy điện đã đăng ký thử nghiệm. Xem xét kết quả thử nghiệm của các nhà máy điện, đảm bảo phủ hợp với yêu cầu kỹ thuật và các quy định có liên quan.

Khẩn trương tối đa xem xét các hồ sơ chủ đầu tư nộp, rà soát các yêu cầu đối với chủ đầu tư về thành phần hồ sơ đàm phán giá điện, đảm bảo đơn giản hoá thủ tục nhưng chặt chẽ, hợp lý và đúng quy định.

Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương cấp tỉnh theo phân cấp có nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp phối hợp với các chủ đầu tư thẩm định thiết kế, thiết kế điều chỉnh nếu có và kiểm tra nghiệm thu.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cần hướng dẫn chủ đầu tư xử lý vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư; yêu cầu Cục Điều tiết điện lực cấp giấy phép hoạt động điện lực với các dự án đã hoàn thành.

“Đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhằm sớm đưa các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư”, văn bảo của Bộ Công Thương nêu.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến 23/5/2023 mới chỉ có 18/85 nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực, có đến 12 dự án chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá nhưng chưa nộp hồ sơ cấp phép (gồm 11 dự án điện gió, 01 dự án điện mặt trời).

Hiện nay, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, sau khi các dự án điện này đáp ứng đầy đủ quy định, các nhà máy này sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia

Cơ chế giá bán điện ưu đãi FIT là cơ chế giá điện hỗ trợ, được thiết kế để thúc đẩy đầu tư vào các dự án điện mặt trời, điện gió và được quy định trong khoảng thời gian nhất định.

Sau khi cơ chế giá FIT hết hiệu lực, cơ chế giá điện cho các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió chuyển tiếp thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tính đến thời điểm ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đến EVN. Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đã đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động. Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).

Có thể thấy, trong thời gian qua các dự án năng lượng tái tạo đã và đang nhận được nhiều cơ chế ưu đãi. Chính sách ưu đãi về giá đã được công bố rõ ràng về lộ trình, mức giá, thời gian ưu đãi, trong quãng thời gian đó, nhiều dự án quy mô rất lớn ở các địa phương dù khó khăn vẫn kịp tiến độ đưa vào vận hành để hưởng cơ chế giá FIT.

Tạ Nhị