Gỡ nghẽn dòng tiền
Ngân hàng Nhà nước vào cuối tuần qua đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN quy định ngưng hiệu lực thi hành khoản 11, Điều 4, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Được biết, thời gian tạm ngưng là từ nay đến 31/12/2023.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, Thông tư 03 sẽ cho phép các ngân hàng chủ động, linh hoạt mua lại trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân, từ đó tăng tính thanh khoản cho thị trường và giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, đồng thời giúp tăng vai trò tạo lập thị trường của ngân hàng.
Trên thực tế, quý I/2023, trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân tháo chạy sức cầu của thị trường TPDN vẫn phụ thuộc vào ngân hàng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99% bên mua trong quý I/2023, trong đó ngân hàng là 77%. Tuy nhiên, sức mua thị trường nhìn chung là èo uột, thị trường đang bị tắc ở khâu mua lại bởi ngân hàng không được mua TPDN chưa niêm yết sau khi bán.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, quy định trên có ý nghĩa nhiều nhất với các tổ chức tín dụng trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi mà các nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Áp lực mà một số tổ chức tín dụng đang gặp phải sẽ được tháo gỡ do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi Tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại. Trong bối cảnh thị trường thứ cấp tập trung trên HNX chưa đi vào hoạt động, quy định này cũng rất hợp.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp phát hành, Thông tư 03 vẫn chưa gỡ được vướng mắc lớn nhất hiện nay của thị trường TPDN. Theo ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Thông tư 03 vẫn chưa cho phép tổ chức tín dụng được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu nợ trong khi đó lại là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay (phát hành TPDN để đảo nợ). Cũng theo ông Châu, thời gian tạm hoãn quy định trên (8 tháng) là quá ngắn và chưa đủ để thị trường vượt qua khó khăn. Ông Châu đề nghị NHNN tiếp tục bãi bỏ quy định cấm tổ chức tín dụng được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành nhằm đảm bảo sự phù hợp với khoản 2, Điều 1, Nghị định 65/2022/NĐ-CP.
Thị trường TPDN trầm lắng trong suốt 3 tuần đầu tháng 4/2023, không ghi nhận bất kỳ đợt phát hành nào. Trước đó, trong tháng 3/2023 phát hành TPDN bất ngờ sôi động trở lại, nhưng hầu như là các doanh nghiệp ít tên tuổi và cũng không loại trừ mục đích cơ cấu nợ. Huy động vốn từ TPDN tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm khi lượng phát hành mới thấp hơn lượng TPDN phải mua lại trước hạn và đến hạn.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Những tháng cuối năm, gánh nặng trái phiếu đáo hạn vẫn đang rất lớn. Theo FiinRatings ước tính, năm nay trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lên tới khoảng 120.000 tỷ đồng. Thị trường đã chứng kiến hàng chục doanh nghiệp bất động sản mất khả năng thanh toán từ đầu năm đến nay.
Cổ đông lo lắng, ngân hàng sẽ thận trọng với TPDN
Trên toàn hệ thống đang có 17 ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB là 5 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Năm qua sự khủng hoảng của thị trường TPDN, bất động sản đã gây lo lắng rất nhiều cho cổ đông các ngân hàng này. Cổ đông hàng loạt ngân hàng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 đã bày tỏ nỗi lo về nợ xấu trái phiếu.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng các ngân hàng cũng sẽ rất thận trọng với đầu tư TPDN dù cánh cửa đầu tư TPDN đã hé mở. Thực tế, nhiều ngân hàng đã giảm lượng TPDN nắm giữ trong quý I/2023.
Tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank cho biết, khối lượng TPDN nắm giữ tại ngân hàng này chỉ hơn 30.000 tỷ đồng, so với cuối năm 2023 giảm 5.000 tỷ đồng và vào cuối tháng 6/2023 dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 20.000 tỷ đồng.
Tại các ngân hàng hiện nay, tỷ lệ nợ xấu TPDN chưa có thống kê. Tất cả lãnh đạo ngân hàng thương mại đều khẳng định các khoản đầu tư TPDN đều an toàn. Tổng giám đốc VPBank cho hay, 100% TPDN được VPBank đầu tư có tài sản đảm bảo, nếu trái phiếu có vấn đề ngân hàng hoàn toàn có thể xử lý, thu hồi nợ.
Tương tự, mới đây tại ĐHĐCĐ thường niên của Techcombank, nhiều cổ đông bày tỏ bất an khi ngân hàng có mức độ tập trung quá lớn vào TPDN và bất động sản. Trấn an cổ đông, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, tại Techcombank nợ xấu tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đang được kiểm soát tốt.
Tại SHB, bà Ngô Thu Hà - Tổng giám đốc SHB cũng cho biết, toàn bộ TPDN (13.186 tỷ đồng cuối năm 2022) của nhà băng này đều có tài sản đảm bảo. Tất cả các dự án TPDN mà SHB đầu tư đều có dòng tiền tốt. Các nhà phát hành này hiện đều thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng.
Thị trường bất động sản có khả năng giai đoạn tới sẽ còn tiếp tục trầm lắng. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, có nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý sẽ tiếp tục khó khăn. FiinGroup cho biết, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp bất động sản đang yếu đi, tỷ lệ nợ xấu trái phiếu hiện đang ở mức hơn 14,3% và sẽ nửa cuối năm tiếp tục gia tăng.
Dù khả năng ngân hàng bơm tiền giải cứu TPDN là không xảy ra nhưng theo các chuyên gia phân tích, các động thái gần đây của Chính phủ và NHNN như: giảm lãi suất điều hành, ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về TPDN, ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản, ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland và DIC Corp… đang dần gỡ nghẽn dòng tiền và cũng là tiền đề giúp thị trường TPDN dần hồi phục. |