Thanh Tâm ·
1 năm trước
 8110

Gìn giữ Việt Nam Xanh nhìn từ các quyết sách của Chính phủ

Gìn giữ môi trường đang là một trong những vấn đề thách thức lớn của toàn cầu, tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các nước trên thế giới. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt.

Những thập niên qua, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với sự phát triển của mọi quốc gia. Không nằm ngoài vòng quay đó, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với những biểu hiện cụ thể về ô nhiễm nước, bao gồm nước mặt, nước ngầm và nước biển; ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn; suy giảm về độ che phủ và rừng đầu nguồn dẫn đến khả năng bảo tồn và duy trì tài nguyên nước ngầm suy giảm và gia tăng hạn hán, đặt ra nhiều thách thức trong phòng hộ phòng, tránh thiên tai.

Các hệ sinh thái bị suy giảm như hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, sinh thái biển… dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học, mất cân bằng sinh thái. Ô nhiễm môi trường dẫn đến các vấn đề về cạn kiệt nguồn tài nguyên, gia tăng an ninh lương thực, an ninh sinh thái, an ninh môi trường xuyên biên giới, tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường...

Bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu

Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Kể từ khi đổi mới, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Các nhiệm kỳ đại hội thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo vệ môi trường. (Ảnh: Internet).

Ngay từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (năm 1991) khẳng định: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc BVMT, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”. Từ thực tiễn và những vấn đề phát sinh do thực tiễn đặt ra, Đảng, Nhà nước luôn có sự tổng kết, bổ sung, phát triển quan điểm về BVMT. Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định: “BVMT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân...; bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đến Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục bổ sung: “… BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”.

“Tuyệt đối không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, BVMT để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.

Kế thừa và phát triển các quan điểm của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra quan điểm, chủ trương thể hiện tính chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu: “…lấy BVMT sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…”.

Cụ thể hoá từng quan điểm, mục tiêu

Để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác BVMT, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, chỉ thị, nghị định, thông tư,… nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt thực hiện hiệu quả công tác BVMT với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Có thể kể đến, Luật BVMT được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17/11/2020 và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2022. Trước Luật BVMT năm 2020, ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT”. Chỉ thị số 25/CT-TTg tiếp tục khẳng định, BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhân dân.

Ngày 28/01/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BTNMT về Nghị định quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT. Tiếp đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản hợp nhất số 09/VBHN-BTNMT ngày 25/10/2019: Nghị định về quản lý chất thải và phế liệu. Nghị định có 9 chương, 66 điều, trong đó quy định về quản lý chất thải bao gồm chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, sản phẩm thải lỏng, nước thải, khí thải công nghiệp và các chất thải đặc thù khác; BVMT trong nhập khẩu phế liệu…

Bên cạnh đó, định hướng về mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện thông qua “Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững từ 2021-2030 với mục tiêu khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, thân thiện với môi trường cũng như tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đảng và Nhà nước ta cũng đã nhiều lần khẳng định, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, có tính đa ngành và liên vùng rất cao, vì vậy, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng.