Thành Phong ·
51 tuần trước
 9124

Hà Nội cần 1 triệu tỷ đồng để phát triển đường sắt đô thị

Những quy định tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là giải pháp chính sách nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đặc thù trong triển khai các dự án đường sắt đô thị vốn tồn tại từ nhiều năm nay.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP.Hà Nội dự kiến xây dựng mới đến năm 2045 là 593 km đường giao thông trong đô thị trung tâm, 368 km đường giao thông tại các đô thị vệ tinh. Số đường giao thông mà TP.Hà Nội dự kiến mở rộng đến năm 2045 có tổng chiều dài 217 km;

Đặc biệt, trong thời gian tới, Hà Nội đẩy mạnh phát triển các tuyến đường sắt đô thị (Đường sắt Đô thị Hà Nội), nhu cầu về vốn có thể lên đến 1 triệu tỷ đồng và xa hơn là mục tiêu phát triển kết nối đường sắt đô thị đến các đô thị trong Vùng Thủ đô.

Hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410km. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện Quy hoạch, Hà Nội mới vận hành và khai thác được 13km đường sắt đô thị (tuyến Cát Linh - Hà Đông).

Theo các chuyên gia giao thông, một trong những khó khăn lớn nhất đối với đường sắt đô thị hiện nay là thiếu vốn. Để có thể thu hút vốn đầu tư cho đường sắt đô thị, Nhà nước phải bỏ vốn làm trước các tuyến cam kết (Tuyến cam kết là các tuyến đi trong khu vực nội đô lịch sử, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp…)

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân khiến các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ. Hiện tại mới có cơ chế đối với các hộ bị thu hồi đất nhưng hoàn toàn chưa có chế độ cho những hộ bị ảnh hưởng hoặc phải phá dỡ.

Để rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội cũng như các đô thị lớn cốt yếu vẫn phải thay đổi từ chính sách, cơ chế đột phá để địa phương triển khai.

Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây về việc thực hiện chính sách phát triển giao thông đường sắt và sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư vận tải đường sắt, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội đến năm 2023 là hơn 39.500 tỷ đồng để đầu tư 4 dự án và nếu đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 thì cần khoảng 321.484 tỷ đồng (tương đương 13.31 tỷ USD).

Để có thêm nguồn vốn đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị, một giải pháp chính sách được quy định tại Điều 39 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là triển khai các dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (dự án TOD). Đây là dự án tổng thể đầu tư xây dựng một tuyến đường sắt đô thị gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và là dự án trọng điểm của Thủ đô hoặc vùng Thủ đô.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) nhận định, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Sớm điều chỉnh những bất cập

Theo Nghị Quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, đến năm 2025, tỷ lệ VTHKCC đạt từ 30 - 35% với ưu tiên đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trên cao, ĐSĐT, và các công trình ngầm kết nối đồng bộ giữa các loại hình VTHKCC.

Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra mục tiêu cụ thể là: “Hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 2035”.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, thực tế hiện nay, tốc độ đầu tư xây dựng ĐSĐT của Hà Nội rất chậm, chưa đáp ứng mục tiêu về phát triển ĐSĐT được theo yêu cầu đặt ra. Việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới, phân cấp, phân kỳ đầu tư theo thứ tự ưu tiên là rất quan trọng.

TP Hà Nội cần kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cho điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến, tránh trùng lặp, hoặc kéo dài tuyến đến những khu vực có điều kiện hạ tầng thuận lợi, nhu cầu cao để đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác, cần phân cấp, phân kỳ đầu tư, ưu tiên những tuyến quan trọng triển khai trước.

Phó trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu nhấn mạnh: Bộ Chính trị khóa XIII yêu cầu trong hơn 20 năm tới, Hà Nội phải hoàn thành khoảng gần 400km ĐSĐT còn lại. Đây là thách thức hết sức nặng nề đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng, đề xuất mô hình tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội mới, khắc phục các tồn tại, hạn chế, để có thể rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư.

Đối với vấn đề điều chỉnh quy hoạch mạng lưới ĐSĐT, Phó trưởng Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng cần hết sức thận trọng, chỉ nên điều chỉnh nhỏ cho hợp lý, không nên có những thay đổi lớn.

Các chuyên gia cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới ĐSĐT trong bối cảnh hiện tại là cần thiết, tuy nhiên cần được tiến hành thận trọng, chắc chắn, có nghiên cứu kỹ càng tổng thể. Mỗi dự án ĐSĐT đều có suất đầu tư hàng tỷ đô la, vô cùng đắt đỏ và khó khăn nên Hà Nội phải chắt chiu từng cơ hội, từng điều kiện nhỏ nhất.

Theo Thành Phong/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7120676997991995/