Sáng 5/12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI khai mạc kỳ họp cuối năm - kỳ họp thứ 14. Trong 4 ngày làm việc (kéo dài đến hết ngày 8/12), các đại biểu dự kiến xem xét, thông qua 67 nội dung, bao gồm 25 báo cáo và 42 nội dung ban hành nghị quyết.
Một trong số các nội dung đáng chú ý là việc HĐND TP dự kiến thông qua Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Trong phương án điều chỉnh này, ngoài việc xác định quy mô của hai thành phố phía Bắc và phía Tây dự kiến thành lập trong tương lai, thành phố dự kiến ấn định mốc thời gian triển khai xây dựng sân bay thứ hai Vùng Thủ đô.
Ảnh minh họa
Tại tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về việc thông qua đồ án trên, UBND TP cho biết sân bay thứ hai - Vùng Thủ đô tại phía nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô, vùng thủ đô và quốc gia, hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.
"Vị trí, phạm vi, quy mô cụ thể sẽ được tư vấn chuyên ngành nghiên cứu báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định. Thời gian dự kiến đầu tư xây dựng sân bay thứ hai vào năm 2040, đưa vào khai thác sử dụng năm 2050", UBND TP Hà Nội nêu rõ tại tờ trình.
Theo đó, thành phố dự kiến kết nối phát triển sân bay phía nam với đô thị Phú Xuyên được quy hoạch theo mô hình đô thị sân bay, để hình thành trung tâm đầu mối dịch vụ vận tải tổng hợp về đường không, đường sắt, đường thủy, đường bộ, trở thành đầu mối giao thông quan trọng của vùng phía bắc, đô thị cửa ngõ phía nam của thủ đô.
Trong giai đoạn chưa triển khai đầu tư dự án sân bay phía nam, Hà Nội cho biết cần có biện pháp quản lý phát triển phù hợp để đảm bảo điều kiện mặt bằng cho phát triển dự án trong tương lai, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được khai thác sử dụng tạm để sản xuất, sinh sống...
Về định hướng, UBND TP Hà Nội đề xuất bố trí không gian phát triển sân bay thứ hai tại khu vực phía nam của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B, giữa cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt thống nhất Bắc - Nam và trục giao thông kinh tế phía nam.
Vị trí sân bay sẽ thuộc địa bàn một số xã thuộc huyện Ứng Hòa. Quy mô khoảng 50 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, thành phố đề xuất xây dựng các trung tâm mua sắm miễn thuế tại tổ hợp TOD Nội Bài với tầm cỡ thu hút khách quốc tế toàn thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ với các trung tâm mua sắm miễn thuế của khu vực.
Trong đó, Trung tâm miễn thuế Phú Xuyên dự kiến hình thành trong giai đoạn sau cùng sân bay quốc tế thứ hai.
Bên cạnh đó, tờ trình về điều chỉnh quy hoạch chung cũng đề xuất xây dựng tổ hợp chuỗi không gian đi bộ - thương mại cao cấp dọc trục phố Trần Hưng Đạo, nối từ nhà ga trung tâm Hà Nội đến quảng trường tại điểm đầu cầu hoặc hầm Trần Hưng Đạo (tạm đặt tên là quảng trường Hòa Bình) kết nối với không gian mở ngoài đê sông Hồng.
Ngoài ra, HĐND Thành phố cũng xem xét thông qua các nghị quyết về dân sinh, như: Quy định điều chỉnh mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND thành phố Hà Nội. Quy định nội dung chi, mức chi hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025. Quy định một số nội dung chi và mức chi công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các cơ quan chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2024-2025. Quy định cơ chế huy động và sử dụng các nguồn lực của địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó bao gồm các nội dung: Quy định nội dung, mức chi đối với dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025…
Kỳ họp cũng dành ra một ngày (dự kiến ngày 7/12) để thực hiện hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND thành phố và cử tri quan tâm.
Trọng tâm là tái chất vấn việc thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ đã được HĐND TP quyết nghị, kết luận và những cam kết của UBND TP nhưng còn chậm, chưa hiệu quả; chất vấn nhóm vấn đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn.
Theo Minh Anh/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7149883365071358/