Ngày 07/12/2023, tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo “Các chủ thể phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức, đồng lòng hơn lúc nào hết, trách nhiệm với đất nước, nhân dân, vì nền kinh tế. Tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm.
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc lại thông điệp trên đây như tại “Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/02/2023 hoặc tại “Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương” ngày 04/07/2023 và đã được thể hiện trong Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ xác định quan điểm “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững; Có chính sách phù hợp thúc đẩy thị trường, tập trung cho an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người thu nhập thấp; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp; Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn, có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội; Giá cả bất động sản phải phù hợp với quy luật thị trường, là động lực để thúc đẩy phát triển”.
Nhiều chính sách đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản
Trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Công điện, Văn bản chỉ đạo điều hành để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”, hay tháo gỡ được vướng mắc trong việc cấp “sổ hồng” cho condotel, officetel. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc Hội và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/04/2023 của Chính phủ, đồng thời triển khai thực hiện “Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ” với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại thông thường. Đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN về ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung “bất cập” của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (ngay trước thời điểm Thông tư số 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực) để tạo điều kiện cho các khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, HoREA nhận thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản tiếp thu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu “phải cơ cấu lại phân khúc và giảm giá bán sản phẩm” thì các doanh nghiệp bất động sản “đến nay chưa được triển khai tích cực” như nhận xét của Thủ tướng Chính phủ và đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp bất động sản là trong tình hình thị trường bất động sản hiện nay còn “khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi “một chiều” thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?”
HoREA đề nghị doanh nghiệp BĐS giảm giá bán sản phẩm nhà ở
Thời điểm 2018 khi thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu “lệch pha” phân khúc thị trường, “lệch” dần về phân khúc nhà ở cao cấp thì Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí đã có văn bản khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường “căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền” (loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 02 tỷ đồng) đáp ứng nhu cầu nhà ở thực rất lớn của đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị để thúc đẩy phát triển loại “căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền” trở thành phân khúc chủ đạo của thị trường bất động sản do có tính thanh khoản cao và bền vững, đồng thời HoREA cũng đã khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia các chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch, chương trình nhà ở xã hội của thành phố, chương trình phát triển các thiết chế công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để giải quyết nhà ở cho công nhân, lao động.
HoREA đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không “neo giữ giá cao”, tăng chiết khấu và có các chính sách khuyến mãi, hậu mãi nhằm kích cầu tiêu dùng trên thị trường bất động sản để tăng “niềm tin thị trường”, tạo dòng tiền và thanh khoản cho doanh nghiệp theo kinh nghiệm của ông bà ta là “thà bán lỗ còn hơn vay lời”.
Bên cạnh đó các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân và tham gia thực hiện “Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất thương mại thông thường, nhất là đối với các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã đăng ký tham gia Chương trình này.
Hiệp hội đề nghị các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản tham gia thực hiện các chương trình xây dựng lại nhà chung cư cũ, chương trình chỉnh trang, di dời nhà trên và ven kênh rạch, chương trình chỉnh trang, tái phát triển các khu vực đô thị cũ lụp xụp tại các địa phương, nhất là tại các thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời, do thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là rất thiếu nguồn cung nhà ở bình dân giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội phù hợp với thu nhập của người dân, nên Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ các “vướng mắc pháp lý” để tăng nguồn cung dự án nhà ở để tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường là cơ sở để tăng nguồn cung nhà ở bình dân giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và việc tăng nguồn cung nhà ở này sẽ tác động làm “bình ổn” giá nhà theo quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí đề nghị Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ quy định chi tiết “các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở” theo quy định tại Điều 34 Luật Nhà ở 2023, để “chuẩn hóa” quy trình, thủ tục hành chính xét duyệt dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư có sử dụng đất.