Nhân viên mời khách mua bảo hiểm có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm
Chị Nguyễn Thị Bích Đào (trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho hay, chị gửi tiết kiệm tại Phòng giao dịch VIB (Xa La, Hà Đông) vào tháng 3/2020 với lãi suất hơn 7%/năm.
Theo đó, chị được nhân viên tư vấn về gói bảo hiểm VIB liên kết với bảo hiểm nhân thọ Prudential là “Pru-Đầu tư linh hoạt”. Kèm theo đó là lời cam kết lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, cùng với đó là hỗ trợ khách mở thẻ tín dụng để trả góp hàng tháng, mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Ban đầu, chị đã bỏ ngoài tai mọi lời tư vấn, thuyết phục của nhân viên.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Quay lại VIB Xa La sau 1 tháng để tiếp tục gửi tiền tiết kiệm, lần này nhân viên đã thuyết phục chị thành công bằng một bản hợp đồng “Pru-Đầu tư linh hoạt”. Khi đó chị nghĩ đơn giản đây là một khoản tiết kiệm lãi suất cao cộng thêm quyền lợi bảo hiểm.
Được biết, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 4/3/2020, mức phí bảo hiểm là 30 triệu đồng/năm (hợp đồng này không liên quan gì đến việc gửi tiết kiệm của chị tại VIB).
Năm 2021, chị Đào lại tiếp tục được nhân viên mời tham gia gói Bảo hiểm nhân thọ Prudential với lý do gói bảo hiểm kia ít quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe.
Chị Đào cho biết, khi đó vẫn rất tin tưởng và muốn mình được bảo vệ tốt hơn bởi hai hợp đồng này sẽ chi trả độc lập. Vì vậy chị đã tham gia gói bảo hiểm nhân thọ và hiện vẫn tiếp tục theo đuổi gói thứ hai.
Tháng 10/2022, chị Đào mới phát hiện ra và cho rằng bản chất của hợp đồng đầu tiên hoàn toàn khác với những gì chị được tư vấn.
Được biết, nhân viên tư vấn đã nhấn mạnh lãi suất cao hơn lãi suất gửi ngân hàng, còn có thêm quyền lợi bảo hiểm và đưa ra bảng minh họa, đồng thời luôn khẳng định đây chỉ là bảng minh họa, trên thực tế nó cao hơn. Cái sai của nhân viên là khi tư vấn là đã khẳng định lãi suất cao hơn lãi gửi tiết kiệm, về bản chất sản phẩm là sai hoàn toàn.
Ngân hàng đòi bằng chứng xác thực
Về gói hợp đồng “Pru-Đầu tư linh hoạt”, tháng 10/2022 chị Đào gửi đơn khiếu nại lên VIB sau khi phát hiện bản chất gói đầu tư này không đúng với những gì được tư vấn. Sau vài lần đi lại tại VIB Xa La, phải đến tháng 3/2023 chị mới gặp được Giám đốc VIB Xa La. Chị được gợi ý “giải quyết nội bộ” sau hai lần gặp gỡ, ngân hàng này sẽ hỗ trợ chị 15 triệu đồng (tương đương nửa năm đóng phí bảo hiểm).
Tuy vậy, đề xuất trên không được chị Đào chấp nhận và tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần hai, chị yêu cầu được chấm dứt hợp đồng “Pru - Đầu tư linh hoạt” với lý do: Nhân viên “lạm dụng sự tin tưởng, thiếu trung thực, tư vấn không đúng bản chất hợp đồng”, cùng với đó yêu cầu bồi hoàn lại 3 năm phí bảo hiểm đã đóng.
Chị Đào cho biết, quá trình trao đổi, nhân viên tư vấn cho chị thừa nhận đã tư vấn gói bảo hiểm đó có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm. Sự thừa nhận của nhân viên này cũng được hai nhân viên VIB chứng kiến. Tuy nhiên, ngân hàng này nói không coi đó là bằng chứng và chỉ chấp nhận bằng chứng là dạng văn bản khiến chị Đào rất bức xúc.
Trong quá trình làm việc, đại diện VIB Xa La luôn cho rằng, việc nhân viên tư vấn bán bảo hiểm cho chị đã nghỉ việc vì vậy rất khó giải quyết quyền lợi cho chị.
Chị Đào cho hay, chị đã nói rõ với ngân hàng là muốn dừng gói Bảo hiểm “Pru-Đầu tư linh hoạt” vì nó không đúng với những gì nhân viên tư vấn, thà chấp nhận mất tiền, chứ không thỏa hiệp tiếp tục đóng tiền cho một sản phẩm bản thân bị lừa gạt.
Ở buổi gặp gỡ lần hai, đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng VIB có nói chị cố đóng thêm vì cũng lỡ đóng 3 năm rồi khiến chị càng bức xúc.
Vào ngày 30/3, ở công văn phúc đáp đến khách hàng, VIB cho biết, chị Đào đã có thời hạn 21 ngày cân nhắc hợp đồng theo quy định tại Điều 4 của quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm "Pru-Đầu tư linh hoạt".
Tuy nhiên, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận bộ hợp đồng bảo hiểm, VIB và Prudential đã không nhận được yêu cầu hoặc thắc mắc nào từ khách hàng về quá trình tư vấn của tư vấn viên và việc không đồng nhất giữa nội dung tư vấn với điều kiện, điều khoản hợp đồng bảo hiểm này và văn bản yêu cầu hoàn lại toàn bộ phí đã tham gia.
VIB khẳng định, khách hàng đã không cung cấp được các bằng chứng hợp lệ thể hiện vi phạm của cán bộ nhân viên. Do đó, hợp đồng này sẽ vẫn tiếp tục có hiệu lực theo đúng điều kiện, điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Cho rằng nhân viên tư vấn đã thiếu trung thực, lạm dụng sự tin tưởng của khách để tư vấn, bán sản phẩm bảo hiểm không đúng bản chất sản phẩm, chị Đào không đồng ý với công văn trả lời của ngân hàng và tiếp tục yêu cầu được chấm dứt hợp đồng bảo hiểm “Pru -Đầu tư linh hoạt”, đồng thời đòi bồi hoàn 3 năm phí bảo hiểm đã đóng.
Giám đốc VIB Xa La cho hay, khách hàng Nguyễn Thị Bích Đào có mong muốn được tất toán hợp đồng và được đáp ứng đề xuất đó. VIB Xa La đã liên hệ mời chị Đào qua để làm thủ tục. Tuy vậy, chị Đào đến nay vẫn chưa qua để ký hồ sơ, do đó chưa thể tất toán được hợp đồng này.
Về phía chị Đào, chị cho biết nguyên nhân chưa qua ký tất toán hợp đồng là do nếu đồng ý ký tất toán hợp đồng thì theo đề xuất của ngân hàng, chị chỉ nhận được 23,1 triệu đồng, đồng nghĩa sẽ mất gần 67 triệu phí đã đóng.
Việc khách hàng tố nhân viên tư vấn không trung thực, tư vấn sai và không đầy đủ hiện đang là chủ đề nóng, gây bức xúc dư luận. Những chính sách của nhà nước đã được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề nhức nhối trên, tuy vậy có lẽ sẽ rất khó để lấy lại niềm tin của người dân đối với bảo hiểm nhân thọ, trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện nay, trong bối cảnh uy tín bị sụt giảm, cách các công ty bảo hiểm nhân thọ truyền thông và tư vấn cho khách hàng dường như chưa giải đáp được những e ngại và hiểu lầm của khách hàng. Trong năm qua, dựa vào thống kê có thể thấy các công ty bảo hiểm nhân thọ đã tung ra đến 10 chiến dịch truyền thông xoay quanh chủ đề khơi gợi cảm xúc, tình yêu thương gia đình. Tuy nhiên cùng lúc đó chỉ có 3 chiến dịch tập trung giúp khách hàng hiểu đúng và đủ về lợi ích thực tế của sản phẩm này. Có thể thấy, trong dài hạn ngành bảo hiểm nhân thọ cần rất nhiều nỗ lực thay đổi mới mong lấy lại được niềm tin của người dân Việt Nam. |