Bộ Tài chính cho biết hiện đang rà soát, sửa đổi bổ sung quy định liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính về bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong quá trình sửa đổi, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Theo dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong quý 4/2023.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự thảo Thông tư hướng dẫn để nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, trong đó có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng. Tăng cường trách nhiệm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm; các thông tin về hợp đồng bảo hiểm phải minh bạch. Các doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin và các lưu ý quan trọng khác. Bên cạnh đó, rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và thực trạng triển khai bảo hiểm nhân thọ trong thời gian vừa qua.
Ngoài 5 doanh nghiệp bảo hiểm đã được tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023, trong quý 2 và 3/2023 Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra. Dựa vào tình hình thực tế, xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Về thị trường bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính thông tin, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 849.411 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 14,18%). Theo đó, theo ước tính các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 118.871 tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730.540 tỷ đồng.
Đầu tư trở lại nền kinh tế: ước đạt 708.373 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 14,41%). Cụ thể, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng còn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 642.816 tỷ đồng.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm: ước đạt 552.325 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 12,71%), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng và các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 518.402 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu: ước đạt 179.421 tỷ đồng (tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.066 tỷ đồng còn các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 141.355 tỷ đồng.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng ( so với cùng kỳ năm trước tăng 1,12%). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng ( so với cùng kỳ năm trước tăng 2,55%), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 52.049 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước tăng 0,5%).
Đánh giá về triển vọng thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023, theo các chuyên gia là kém khả quan. Bởi vì, những khó khăn của nền kinh tế sẽ làm người tiêu dùng thắt chặt hầu bao. Đặc biệt, hiện thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin tồi tệ nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Hậu quả của lần khủng hoảng này có thể sẽ thấy vào kết quả kinh doanh những quý tới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Liên quan đến kênh bancassurance, tính đến ngày 25/4/2023, Bộ Tài chính đã nhận được 192 kiến nghị, phản ánh của người dân qua điện thoại và 299 kiến nghị, phản ánh qua email, phân loại xử lý 350 đơn tố cáo. |