Bích Ngọc ·
1 năm trước
 5592

Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu, lãi suất liệu có tăng trở lại?

Năm ngoái, vào tháng 6 Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở rồi sau đó lãi suất tăng trở lại. Động thái phát hành tín phiếu hiện được thực hiện liên tiếp ở thời điểm hiện tại.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quay lại phát hành tín phiếu trên kênh hoạt động thị trường mở khiến giới đầu tư tài chính lo ngại một cuộc “đảo chiều chính sách tiền tệ”.

Việc lo ngại về sự đảo chiều chính sách tiền tệ của NHNN khá dễ hiểu khi thời điểm tháng 6 năm ngoái, NHNN cũng đã tiến hành phát hành tín phiếu trên kênh thị trường mở trước khi NHNN đưa ra quyết định tăng lãi suất điều hành vào tháng 9/2022.

Tuy vậy, Công ty chứng khoán SSI cho rằng hiện tại đã có nhiều sự khác biệt cho nên NHNN liên tục phát hành tín phiếu cũng không có nghĩa lãi suất sẽ tăng trở lại.

Điểm giống nhau với giai đoạn 2022 là gì?

Công ty chứng khoán SSI cho hay, một trong những nguyên nhân chính khiến NHNN phát hành tín phiếu trong cả hai giai đoạn tháng 6/2022 và tháng 9/2023 là do áp lực tỷ giá.

Công cụ chính sách tiền tệ này được thực hiện để điều tiết bớt một lượng thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn – là một phần trong nỗ lực nhằm giảm mức chênh lệch lãi suất VND và USD và từ đó hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Áp lực đồng VND giảm giá ở cả hai giai đoạn 2022 và 2023 xuất phát từ trong bối cảnh đồng USD có khả năng tăng mạnh hơn đến từ những quyết định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mặc dù so với năm ngoái vị thế Fed đã có sự thay đổi (2022 đánh dấu là năm đầu tiên của chu kỳ thắt chặt trong khi thời điểm hiện tại, Fed đã tiến gần đến giai đoạn cuối chu kỳ tăng lãi suất), tuy vậy đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh và tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác.

Chiều ngược lại, NHNN đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Việc sử dụng các công cụ phát hành tín phiếu này là bước đầu để hạn chế áp lực tỷ giá.

Về bối cảnh trong nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đối với đồng VND ở mức dưới 1% tại thời điểm phát hành tín phiếu khi thanh khoản dồi dào trên toàn hệ thống, nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng chạm trần vào giữa năm 2022, trong khi hoạt động tín dụng chậm lại vào 2023. Điều này khiến cho mức chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa đồng VND và USD khá lớn làm cho các ngân hàng tăng mạnh nhu cầu nắm giữ đồng USD hơn đồng VND.

Theo SSI, động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.

Điểm khác nhau so với giai đoạn 2022 là gì?

SSI cũng đưa ra điểm khác nhau giữa hai giai đoạn để thể hiện rằng việc NHNN tăng phát hành tín phiếu không đồng nghĩa là lãi suất sẽ tăng.

SSI cho hay, khác biệt đầu tiên đến từ cơ chế đấu thầu. Năm ngoái phát hành tín phiếu là đấu thầu theo khối lượng, sau đó mới chuyển thành đấu thầu lãi suất, trong khi đó đấu thầu lãi suất được sử dụng trong 5 ngày vừa qua.

Năm nay lãi suất phát hành tín phiếu NHNN gần như tương đương giai đoạn bắt đầu phát hành vào năm ngoái (với kỳ hạn dài hơn), tuy nhiên nếu xem xét chi tiết thì bản chất lại tương đối khác nhau. 

Theo đó, thanh khoản tại các nhà băng đều dồi dào, nguyên nhân của vấn đề này trong năm 2023 lại khác nhiều so với năm 2022.

Trong năm 2022, nguyên nhân chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng chạm mức trần hạn mức từ giữa năm còn năm 2023 vấn đề tín dụng tăng chậm là do kinh tế tăng trưởng chậm lại..

Một điểm khác biệt quan trọng nữa so với năm ngoái đó là trong khi mục tiêu chung là để giảm áp lực lên tiền Đồng, NHNN lựa chọn phát hành tín phiếu làm phương án bắt đầu trong năm nay (năm ngoái là bán dự trữ ngoại hối), nhằm hạn chế ảnh hưởng dài hạn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Về tỷ giá, không giống năm ngoái, mức độ biến động tỷ giá trên thị trường ngân hàng và chợ đen cho thấy chênh lệch cung-cầu đang nghiêng nhiều trên thị trường ngân hàng (nhiều khả năng là do hoạt động đầu cơ chênh lệch tỷ giá từ các ngân hàng thương mại). Nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên vị thế ngoại tệ trên hệ thống vẫn chưa gặp quá nhiều áp lực.

Một điểm tích cực khác là so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái vị thế của NHNN tương đối khác nhờ vầo lượng dự trữ ngoại hối đã được bổ sung trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.

Qua đó, theo SSI, động thái phát hành tín phiếu của NHNN là một cách thức để điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương, không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Mục đích của NHNN là hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6888153364577694/?