Tạ Nhị ·
51 tuần trước
 7842

Làm gì để tránh lãng phí nguồn điện năng lượng tái tạo?

Sau cuộc đua điện gió, mặt trời, nhiều nhà đầu tư “bước hụt”, không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi. Giờ đây, họ đang xót ruột từng ngày.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân mà sau khi đầu tư rất mạnh vào điện mặt trời thì hiện nay việc huy động nguồn điện này lại bị cắt giảm. Điều này ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của nhà đầu tư, gây lãng phí nguồn năng lượng của đất nước. Để thúc đẩy nguồn NLTT phát triển bền vững, cần nhiều giải pháp đồng bộ, cấp bách.

Ảnh minh họa.

Nhà máy năng lượng tái tạo phải cắt giảm công suất

Với các chính sách ưu đãi của Chính phủ, điện mặt trời đã có sự phát triển bùng nổ trong hai năm 2019, 2020. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 19.400MWp (tương đương 16.500MW), chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Các dự án điện mặt trời đã kịp thời bù đắp lượng công suất thiếu hụt do các nguồn nhiệt điện than, điện khí chậm tiến độ, góp phần giảm lượng điện phát dầu (có giá thành cao) trong những tháng phụ tải cao điểm mùa khô. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện khiến nhu cầu sử dụng điện giảm, cộng với việc thiếu lưới truyền tải khiến tình trạng cắt giảm huy động điện NLTT, tập trung vào điện mặt trời trong thời gian qua không còn là chuyện mới. Điều này gây ra thiệt hại rất lớn.

Thừa nhận thực tế hiện nay nguồn NLTT đang bị cắt giảm huy động, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện NLTT (trong đó đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió). Dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện NLTT (trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các nhà máy điện gió).

EVN cũng cho rằng, việc tiết giảm nguồn NLTT cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn. Hiện tổng công suất điện mặt trời chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống. Tuy nhiên, với đặc điểm tự nhiên của điện mặt trời là phụ thuộc vào thời gian nắng trong ngày (nắng mạnh thì phát nhiều điện và tắt nắng thì không phát điện) nên việc vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài ra, việc phụ tải tăng trưởng thấp hơn dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; chênh lệch lớn giữa phụ tải cao điểm và thấp điểm trong ngày cũng gây nhiều khó khăn cho công tác điều độ hệ thống điện. Để bảo đảm an ninh, an toàn trong vận hành hệ thống điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện, trong đó có cả các nguồn NLTT như điện gió, điện mặt trời vào các giờ phụ tải thấp điểm (buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ, tết).

Đề cập một trong những nguyên nhân dẫn tới phải cắt giảm công suất các dự án điện mặt trời là tình trạng thiếu lưới truyền tải, Phó cục trưởng Cục Điện lực và NLTT (Bộ Công Thương) Phạm Nguyên Hùng cho hay, trong thời gian qua, việc vận hành hệ thống điện đã gặp phải những khó khăn như dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn. Việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong khi lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Do đó lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm.

Giải pháp cho các dự án năng lượng tái tạo

Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã thực hiện hàng loạt biện pháp để giảm tình trạng cắt giảm công suất như khẩn trương triển khai xây dựng bổ sung hệ thống truyền tải, hệ thống phân phối, tăng cường khả năng điều độ, vận hành hệ thống điện phù hợp với điều kiện thời tiết, điều chỉnh thứ tự điều độ hệ thống điện theo hướng ưu tiên huy động nguồn điện NLTT, giờ phát cao điểm của thủy điện nhỏ lệch với giờ phát cao điểm của điện mặt trời... Nhưng thực tế cho thấy, việc giảm phát các dự án NLTT vẫn diễn ra phổ biến. Trong bối cảnh nguy cơ Việt Nam thiếu điện vẫn đang hiện rõ do hàng loạt dự án nhiệt điện, điện khí chậm tiến độ thì việc lãng phí nguồn NLTT là một nghịch lý, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đặt vấn đề cần làm rõ trách nhiệm trong việc để “vỡ” quy hoạch NLTT, gây lãng phí nguồn lực; làm rõ trách nhiệm của ai trong đầu tư hệ thống truyền tải đồng bộ với hệ thống nguồn điện.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng khung giá điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp.

Theo đó, khung giá đã được tính toán trên cơ sở chi phí quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 99 nhà máy ĐMT (gồm 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất, 4 nhà máy ĐMT nổi) và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. EVN đã đưa ra bốn phương án để tính khung giá (bao gồm tính toán dựa trên suất đầu tư, tỷ lệ vốn vay, lãi suất và các khoản thuế, hoặc các phương án không bao gồm yếu tố suất đầu tư, sản lượng điện). Tuy nhiên, khung giá do EVN đưa ra đã không làm hài lòng các chủ đầu tư và cho rằng: Nếu thực hiện theo khung giá này có thể làm cho các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Việc đàm phán giá, với mong muốn doanh nghiệp có lãi (bao gồm chủ đầu tư các dự án NLTT và EVN) là chính đáng, nhưng phải hài hoà với lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng, sử dụng điện. Việc đàm phán giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Ngày 16/3/2023 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo các quy định. Đây là giải pháp tình thế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (bao gồm EVN và các chủ đầu tư điện gió, mặt trời).

Về việc huy động tạm thời phát điện từ các nhà máy điện chuyển tiếp, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá mua điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án này sẽ được điều chỉnh lại khi có giá bán điện chính thức được ký kết giữa EVN và các chủ đầu tư.

Tạ Nhị