Tạ Nhị ·
50 tuần trước
 7947

Bộ Công Thương nói gì về vụ 36 nhà đầu tư điện sạch?

Trước kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp gửi tới Thủ tướng về việc khắc phục bất cập trong cơ chế giá phát điện, Bộ Công Thương đã có phản hồi.

Đơn kiến nghị của các nhà đầu tư cho rằng việc giao cho đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm công tác xác định giá, sử dụng kết quả mà chưa tham vấn với bên tư vấn độc lập (lấy căn cứ là Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2) là chưa đảm bảo tính khách quan.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định Hội đồng đã có vai trò trong việc thẩm định, tính toán các thông số để xác định khung giá. Các thông số cũng được tính toán dựa trên số liệu từ các tổ chức tư vấn quốc tế, Viện Năng lượng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1, 2, 3, 4 và Tổ chức tư vấn GIZ cung cấp.

Theo đó, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng giảm mạnh thời gian qua. Vì vậy, căn cứ báo cáo kết quả tính toán khung giá của EVN, suất đầu tư được thẩm định, các bên tư vấn đã lựa chọn trên cơ sở suất đầu tư các dự án giảm trừ 10% cho 1MWp điện mặt trời, 1MW điện gió.

Bộ Công Thương cho biết nghiên cứu của tư vấn quốc tế, bức xạ mặt trời tại Việt Nam được chia làm 3 vùng. Với 164 dự án điện mặt trời đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN, có 134 dự án thuộc vùng 3.

Bức xạ mặt trời để tính toán sản lượng bình quân nhiều năm được lấy theo bức xạ của tỉnh Bình Thuận. Đây là địa điểm thuộc vùng 3 và xây dựng Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2 - vốn được khuyến nghị theo nghiên cứu của tổ chức tư vấn quốc tế là 5,23 kWh/m2/ngày (tương đương 1.908,95 kWh/m2/năm).

Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định theo ý kiến của Hội đồng tư vấn, để phù hợp với các quy định về khung giá, cơ sở tính toán khung giá đã không thực hiện trên cơ sở thông số của Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 2.

"Việc lựa chọn thông số là dựa vào suất đầu tư, bức xạ mặt trời tại vùng 3 và các thông số khác được thu thập từ các nhà máy điện mặt trời mặt đất đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời điểm giá bán điện ưu đãi hết hiệu lực" , Bộ Công Thương nêu.

Vì thế, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu. Việc thay đổi giá bán lẻ điện bình quân không chỉ xem xét chi phí phát điện (bao gồm chi phí mua điện từ nhà máy điện mặt trời, điện gió) mà bao gồm nhiều khâu khác.

Được biết, ngày 20/3/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 83/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương (BCT) khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý kiến nghị của các nhà đầu tư trước ngày 15/4/2023.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại theo thông tin từ các nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC), nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã báo cáo các vướng mắc trong đàm phán giá điện các dự án nhà máy điện gió, mặt trời chuyển tiếp gửi BCT tại Văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023, trong đó nêu các vướng mắc về thời hạn hợp đồng; phương pháp xác định giá đàm phán (phương pháp xác định các thông số đầu vào và nguyên tắc xác định giá điện) dẫn đến việc chưa có cơ sở để hoàn thành công tác đàm phán giá điện. EVN cũng kiến nghị BCT sớm ban hành Phương pháp xác định giá đàm phán và hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc làm cơ sở để EVN và các chủ đầu tư thực hiện.

Để tránh lãng phí nguồn lực xã hội và tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư do việc đàm phán dự kiến có thể kéo dài, sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, góp phần vào lộ trình cắt giảm CO2 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, trong đơn kiến nghị mới đây (ngày 28/4/2023) 23 nhà đầu tư có các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa được vận hành thương mại mong muốn Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xem xét và chấp thuận các kiến nghị:

Tiếp tục yêu cầu BCT rà soát, báo cáo Chính phủ về nội dung kiến nghị của các nhà đầu tư đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, BCT vào ngày 10/3/2023 về những khó khăn bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp ban hành tại Quyết định 21 và Thông tư 01.

Chỉ đạo BCT sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán.

Chỉ đạo BCT, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/ thỏa thuận giá phát điện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Văn bản số 83/TB-VPCP nêu trên. Trong thời gian huy động tạm thời, các nhà đầu tư đề xuất 3 phương án giá tạm: Một là, giá tạm bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian từ khi huy động cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, không hồi tố; Hai là, giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong thời gian huy động tạm thời, sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng; Ba là, giá tạm tính bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm. Thời gian huy động tạm này không tính vào thời gian 20 năm hợp đồng mua bán điện chính thức sẽ ký giữa EVN và chủ đầu tư.

Trước đó, 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam và hiệp hội doanh nghiệp đã có đơn gửi tới Thủ tướng, phản ánh những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

36 nhà đầu tư này phản ánh việc giao cho EVN/EPTC làm công tác xác định giá và sử dụng kết quả đề xuất chưa qua tham vấn với bên tư vấn độc lập là chưa phù hợp thực tiễn.

Hậu quả, kết quả tính toán giá phát điện đề xuất của EVN không đảm bảo được nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12% cho các nhà đầu tư, mối tương quan giữa giá phát điện của dự án điện gió và thực tế giá bán lẻ điện bình quân của EVN gần đây đã tăng lên.

Theo đó, các nhà đầu tư đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu tính toán lại khung giá điện, ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán điện cho các dự án chuyển đổi, cho phép huy động công suất các nhà máy đã hoàn tất xây dựng…

Tạ Nhị