Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7045

Lãnh đạo MBBank nói gì về khoản đầu tư trái phiếu bất động sản?

Sáng ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Quân đội - MBBank (MBB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 để trình cổ đông thông qua các kế hoạch kinh doanh năm nay và kiện toàn nhân sự HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Một trong những nội dung trong phiên thảo luận được các cổ đông ngân hàng quan tâm là việc cho vay, đầu tư trái phiếu trong lĩnh vực bất động sản của MBBank. Đặc biệt là giao dịch với các doanh nghiệp gặp khó khăn gần đây như Novaland, Hưng Thịnh và Trung Nam.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 Ngân hàng Quân đội tổ chức sáng 25/4. Ảnh: Báo Công Thương

Hiện chưa có áp lực nợ xấu với Novaland, Hưng Thịnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 của Novaland, chủ nợ tài chính lớn thứ 2 của doanh nghiệp này là MBBank với số dư hơn 9.400 tỷ đồng (gồm cả cho vay và đầu tư trái phiếu). Bên cạnh đó, MBBank cũng đều có các giao dịch cho vay, đầu tư trái phiếu với Hưng Thịnh và Trung Nam.

Ông Phạm Như Ánh - Phó tổng giám đốc thường trực MBBank cho hay, ngân hàng hiện không phát sinh cho vay với các dự án bất động sản của Hưng Thịnh, cũng không sở hữu trái phiếu doanh nghiệp này mà chỉ cho vay liên quan lĩnh vực xây lắp.

Về Novaland, ông Ánh cho biết đây là đối tác bất động sản lớn của ngân hàng, nhà băng này có cho vay và đầu tư trái phiếu Novaland. Tuy vậy, với từng dự án khả thi các khoản cấp tín dụng này được quản lý và đánh giá cụ thể. Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Novaland hiện tại cũng đã giảm khá lớn, không còn nhiều như đầu năm.

Theo ông Ánh, để đảm bảo khả năng thu đủ gốc, lãi  hiện ngân hàng vẫn quản trị tiền trên tài khoản của Novaland và dự kiến không có áp lực nợ xấu trong năm 2023 với các khoản vay này.

Còn với Trung Nam Group, theo lãnh đạo MBBank, ngân hàng có cho vay và đầu tư trái phiếu của Trung Nam, trong đó chủ yếu nằm trong các dự án điện mặt trời. Khách hàng này hiện vẫn trả nợ đầy đủ và đúng hạn, theo tính toán của ban lãnh đạo, trong năm nay các khoản cấp tín dụng này sẽ không phát sinh nợ xấu cũng như các năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch HĐQT MBBank Lưu Trung Thái, thời gian qua những vấn đề của ngành bất động sản không chỉ phát sinh với Novaland mà là toàn ngành. Vấn đề lớn nhất của ngành này là pháp lý dự án chứ không phải vấn đề tài chính

Để các chủ đầu tư có thể mở bán dự án thời gian có thể kéo dài vài năm do vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, ông Thái cho biết trong lĩnh vực này số dư cho vay vẫn nằm trong phạm vi cho phép (hiện vào khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng).

Chủ tịch HĐQT MBBank cho biết, ngân hàng hiện không chỉ tham gia một dự án của Novaland mà là nhiều dự án. Các dự án bất động sản ngân hàng cấp tín dụng đều có tài sản đảm bảo và trong năm nay sẽ không phát sinh nợ xấu.

Về khó khăn của một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo, ông Thái cho hay, các chủ đầu tư này đều có nhóm có tiềm lực tài chính mạnh và hiện đã chuẩn bị đủ tài chính để thực hiện nghĩa vụ nợ với MBBank. MBBank cũng đã cơ cấu và điều chỉnh phù hợp với các khoản nợ này.

Kế hoạch kinh doanh 

Tại phiên họp, ban lãnh đạo MBBank đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 26.100 tỷ đồng, so với năm 2022 tăng 15%. Trong đó, chỉ tiêu tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng 14% (đạt 830.000 tỷ đồng vào cuối năm). Các chỉ tiêu tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng (tăng 15%) và huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ (từ 45.339 tỷ đồng lên 53.683 tỷ đồng) thông qua phát hành hơn 680 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 15% (tăng vốn thêm 6.800 tỷ đồng) và phần còn lại thực hiện theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua năm ngoái. Năm nay, MBBank cũng dự kiến tiếp tục trả cổ tức tỷ lệ 10-15%.

Định giá ngân hàng nhận sáp nhập

Ngoài vấn đề cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, các cổ đông MBBank cũng đặt câu hỏi về tiến độ thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Vấn đề này dù đã được các cổ đông thông qua tại phiên họp năm ngoái nhưng đến nay việc sáp nhập này vẫn chưa có tiến triển.

Theo Phó tổng giám đốc thường trực - Phạm Như Ánh, ngân hàng hiện đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình, có thể thời gian định giá sẽ kéo dài 11 tháng (từ tháng 3 năm nay). Như vậy, dự kiến đến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 mới hoàn tất thủ tục định giá, khi đó MBBank mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém này.

Theo Diễn Đàn Sự Thật GROUP