Bích Ngọc ·
47 tuần trước
 9592

Lãnh đạo Saigon Glory: Chưa thể có nguồn tài chính để thanh toán ngay tiền gốc của các lô trái phiếu

Trước đó, Công ty TNHH Saigon Glory đã gửi công bố thông tin vào ngày 13/6/2023 về việc chậm thanh toán gốc của lô trái phiếu SGL-2020.01 lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Được biết, vào ngày 13/6, Saigon Glory đã xin lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu về việc điều chỉnh ngày đáo hạn trái phiếu của các lô trái phiếu: SGL-2020.01, SGL-2020.02, SGL-2020.03, SGL-2020.04, SGL-2020.05. Ngoài ra, tổ chức phát hành cũng đề xuất kể từ ngày 1/7/2023 áp dụng lãi suất cố định là 10,5%/năm cho đến khi đáo hạn.

Các lô trái phiếu trên thuộc sở hữu của gần 3.000 trái chủ và có tổng trị giá 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 12h15’ cùng ngày, tỷ lệ tham dự hội nghị của các lô trái phiếu chỉ đạt lần lượt là 72,74% (SGL-2020.01); 68,22% (SGL-2020.02); 63,06% (SGL-2020.03); 65,58% (SGL-2020.04); 60,95% (SGL-2020.05).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Vì vậy, các lô trái phiếu trên đều chưa đạt tỷ lệ 75% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành tại thời điểm tiến hành hội nghị của từng lô (theo Điều 11.1.c của văn kiện điều kiện trái phiếu). Do đó, không đủ điều kiện để tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu.

Theo ông Vũ Quang Bảo – Chủ tịch Saigon Glory, hiện doanh nghiệp này đang nỗ lực làm việc để cơ cấu lại tài sản, rà soát, cân đối lại dòng tiền, các nguồn tài chính và ưu tiên mọi nguồn lực cho việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng dự án. Bên cạnh đó, những nguyên nhân khách quan về kinh tế, chính trị, xã hội không chỉ tạo ra khó khăn với các doanh nghiệp mà cũng mang lại rất nhiều áp lực và khó khăn cho người sở hữu trái phiếu. Saigon Glory cũng như hầu hết các doanh nghiệp khác, trong giai đoạn khó khăn này cần có thời gian để sắp xếp, xoay chuyển tình thế và quyết tâm đặt mục tiêu kế hoạch hoàn thành dự án vào cuối năm 2025.

Ông Vũ Quang Bảo cũng nhấn mạnh, với hiện trạng hiện nay của dự án One Central Saigon để tổ chức phát hành có thể tiếp tục triển khai phương án xây dựng, kinh doanh và có thời gian tái cấu trúc tài chính của dự án, cũng như các tài sản khác thì việc được người sở hữu trái phiếu gia hạn là con đường duy nhất, khả thi nhất.

Giới chuyên gia đánh giá, giải pháp được nhiều bên lựa chọn đó là giãn, kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu để doanh nghiệp có thể gỡ vướng pháp lý, khôi phục dòng tiền kinh doanh và trả nợ. Việc đẩy doanh nghiệp vào chỗ kiệt quệ nguồn lực để trả nợ có thể sẽ tạo ra các hệ quả đổ vỡ không đáng có.

Trường hợp xấu nhất, sẽ buộc doanh nghiệp phải thực hiện bước xử lý tài sản đảm bảo, điều này gây ảnh hưởng thiệt hại lớn, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của người sở hữu trái phiếu, hơn nữa đối với những tài sản còn đang xây dựng dở dang thủ tục xử lý tài sản bảo đảm có thể kéo dài, quy trình phức tạp.

Doanh nghiệp này kinh doanh ra sao?

Theo đó, Saigon Glory báo lỗ lên tới 152 tỷ đồng vào năm 2022, trong khi năm 2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 290 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu của Saigon Glory giảm 153 tỷ tại thời điểm cuối năm 2022 xuống còn 6.847 tỷ đồng. Tương ứng hiệu quả hoạt động trên vốn (ROE) của Saigon Glory âm 2,22% (kỳ trước dương 4.15%). 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nợ phải trả gấp tới 3,99 lần vốn chủ sở hữu (tương ứng 27.320 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ trái phiếu cũng gấp 1,46 lần vốn chủ sở hữu (chiếm 9.998 tỷ đồng).

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Saigon Glory là chủ đầu tư của dự án Khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ ở – khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (Khu Tứ giác Bến Thành), tên thương mại là The Spirit of Saigon. Nằm tại vị trí đắc địa bậc nhất trung tâm Sài Gòn với 4 mặt tiền đường Lê Thị Hồng Gấm – Calmette – Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành và kết nối với Ga Metro Bến Thành. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng có cổ đông mẹ là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco nắm giữ 100% vốn. 

Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6545115575548143/?