Thanh Tâm ·
48 tuần trước
 7992

Luật Đất đai sửa đổi - Góc nhìn từ vụ thu hồi, bồi thường đất tại huyện Gia Lâm

UBND huyện Gia Lâm đã nhiều lần thừa nhận “sơ suất” trong việc kê khai 12 hộ gia đình tại xã Phú Thị dẫn đến người dân chưa được hưởng quyền lợi. Tuy nhiên, UBND Hà Nội vẫn khẳng định việc bồi thường là đúng quy định.

UBND huyện Gia Lâm thừa nhận có “sơ suất”

Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) với khá nhiều nội dung mới để cập nhật theo tình hình phát triển kinh tế, xã hội. Được biết, thời gian qua, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã nhận được 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân. Trong đó, rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề thu hồi, đền bù đất cho người dân khi giải phóng mặt bằng.

Nhiều chuyên gia khẳng định, đất đai là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân. Theo báo cáo của Chính phủ, khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu có nội dung liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội, chiếm khoảng 70% tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thời gian qua.

Nguyên nhân chính khiến nhiều người dân phải “cõng đơn” đi kiện từ năm này qua năm khác là từ bất cập trong công tác thu hồi đất và đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiểu nôm na, người dân cho rằng, việc đền bù, bồi thường chưa thỏa đáng, thiếu hợp lý, nhất quán.

Mới đây, hàng chục hộ dân tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quyền lợi của mình khi thu hồi đất làm dự án chưa thỏa đáng. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Thúy và các hộ dân thường trú tại thôn Phú Thụy, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội phản ánh về việc UBND TP.Hà Nội không xem xét giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình theo quy định số 33/2008 ngày 29/8/2008 của UBND TP.Hà Nội trong giai đoạn 2001-2008 đối với các hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp.

Cụm công nghiệp Phú Thị. (Ảnh:Zing)

Theo đó, 12 hộ dân trên nằm trong danh sách 69 hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp để thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Gia Lâm từ năm 2001-2008. Đến nay, 57/69 hộ dân đã được giải quyết bồi thường theo đúng chính sách, tuy nhiên 12 hộ dân này vẫn phải “cõng đơn” đi đòi quyền lợi.

“Tháng 7/2017, UBND huyện Gia Lâm có văn bản số 1820 báo cáo sai thông tin là trong 69 trường hợp được xem giao đất dịch vụ có 12 trường hợp tiếp tục bị thu hồi đất nông nghiệp sau ngày 1/10/2009 và đã được UBND huyện phê duyệt phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm bằng tiền. Tuy nhiên, đến nay, 12 hộ dân chúng tôi vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi như nội dung báo cáo của UBND huyện Gia Lâm”, đơn của bà Thúy nêu rõ.

Cũng theo đơn, ngày 2/10/2017, UBND TP.Hà Nội đã ban hành văn bản số 4800 có nội dung “đối với 12 hộ gia đình tại xã Phú Thị đã được chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức nhận tiền một lần. Các hộ đã nhận tiền theo phương án hỗ trợ đã được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt theo quy định pháp luật, không xem xét điều chỉnh dự án. Trong đơn kiến nghị, bà Thúy và 10 hộ gia đình còn lại khẳng định văn bản của UBND TP.Hà Nội được ban hành căn cứ theo báo cáo sai của UBND huyện Gia Lâm.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày 28/9/2021, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản số 3073 gửi UBND TP.Hà Nội về vấn đề giao đất dịch vụ cho 15 hộ dân tại xã Phú Thị và xã Cổ Bi huyện Gia Lâm. Theo đó, UBND huyện thừa nhận: “Đối với 13 hộ dân tại thôn Phú Thụy, xã Phú Thị đã bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao, đủ điều kiện được xem xét hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng giao dịch vụ bằng đất ở theo quy định của UBND TP.Hà Nội. Nhưng tại thời điểm thu hồi và thực hiện chính sách giao đất dịch vụ năm 2008, huyện Gia Lâm chưa có đất dịch vụ để giao cho các hộ dân xã Phú Thị trong phương án bồi thường, hỗ trợ người dân tại 2 dự án. Do sơ suất, trong phương án bồi thường, hỗ trợ 13 hộ dân xã Phú Thị, UBND huyện đã không ghi nhận diện tích đất ở sẽ giao cho các hộ và chủ đầu tư của 2 dự án trên cũng không cam kết ghi nhận nợ với UBND huyện về việc giao đất dịch vụ cho 13 hộ dân. UBND huyện Gia Lâm đã không phê duyệt khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng đất ở cho 13 hộ dân theo quy định”.

Được biết, đến năm 2011-2012, 12 hộ dân này tiếp tục bị thu hồi đất tại 3 dự án khác.

Trước đó, có lẽ để sửa sai cho “sơ suất” trước đây, ngày 24/7/2017, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản số 1820 về việc đề nghị thực hiện phương án giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất trên 30% trên địa bàn Gia Lâm, trong đó có 12 hộ dân thôn Phú Thụy, xã Phú Thị. Tuy nhiên, trong 2 văn bản phản hồi, UBND TP.Hà Nội lại cho rằng, 12 hộ gia đình tại xã Phú Thị đã nhận tiền một lần trong phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề vào tạo việc làm nên không xem xét điều chỉnh phương án. Trong khi đó, Sở TNMT thì khẳng định, các hộ có nguyện vọng được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng hình thức giao đất ở thì phải nộp lại khoản tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm đã nhận cộng với lãi suất tiền gửi theo quy định.

Văn bản của UBND huyện Gia Lâm thừa nhận có sơ suất đã không ghi nhận diện tích đất ở giao cho các hộ trong phương án bồi thường.

Như vậy, câu chuyện đến đây có 3 ý kiến. UBND huyện Gia Lâm đề nghị giao đất dịch vụ; Sở TNMT nói rằng hộ dân phải nộp lại tiền và lãi suất thì mới được hỗ trợ đất dịch vụ, trong khi đó UBND TP.Hà Nội thì khẳng định không xem xét điều chỉnh.

Về vấn đề này, UBND huyện Gia Lâm khẳng định, UBND huyện chưa phê duyệt khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng các hình thức nhận tiền một lần, đăng ký mua căn hộ chung cư hoặc đăng ký giao đất cho 12 hộ dân. UBND huyện cũng nêu rõ rằng, 12 hộ dân chưa nhận được khoản hỗ trợ trên như trong văn bản số 4800 của UBND TP.Hà Nội đã nêu.

Vì vậy, UBND huyện Gia Lâm đã đề nghị TP.Hà Nội chấp nhận cho UBND huyện phê duyệt bổ sung khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng giao đất đất dịch vụ cho 12 hộ dân. Khi được giao đất, các hộ dân phải nộp tiền sử dụng đất theo đúng quy định.

UBND TP.Hà Nội nói gì?

Mới đây nhất, UBND TP.Hà Nội đã có văn số 68 ngày 8/3/2023 gửi Phó thủ tướng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ về rà soát việc giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Kim Thúy và một số công dân huyện Gia Lâm. Nội dung báo cáo này được tổng hợp từ báo cáo của Thanh tra TP.Hà Nội tại văn bản số 894 ngày 1/3/2023. Văn bản 68 do Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông ký.

Cụ thể, trong văn bản số 68, UBND TP.Hà Nội khẳng định bà Thúy và một số hộ dân khiếu nại văn bản số 2787 ngày 23/9/2020 của UBND huyện Gia Lâm về nội dụng không xem xét giao suất đất dịch vụ cho gia đình bà Thúy và một số hộ dân, nội dung khiếu nạn là chưa đủ cơ sở xem xét giải quyết.

Cáo cáo số 68 của UBND TP.Hà Nội.

Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, diện tích mà 12 hộ dân bị thu hồi để thực hiện dự án trên xã Phú Thị có nguồn gốc từ đất nông nghiệp. Các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2001 đến 2003, thời điểm chưa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm bằng hình thức giao đất dịch vụ. Vì thế, UBND huyện Gia Lâm đã bồi thường, hỗ trợ bằng tiền cho các hộ theo quy định. Đến năm 2008 (thời điểm có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm bằng hình thức giao đất dịch vụ, 12 hộ dân bị thu hồi đất dưới 30% diện tích đất nông nghiệp nên không đủ điều kiện được giao đất dịch vụ theo quy định của thành phố. UBND huyện Gia Lâm đã bồi thường, hỗ trợ bằng tiền cho 12 hộ theo quy định.

“Như vậy, việc UBND huyện Gia Lâm đã thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cho 13 hộ dân, trong đó không áp dụng hỗ trợ chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm bằng hình thức giao đất dịch vụ là đúng. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giữ nguyên Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đối với bà Nguyễn Thị Kim Thúy và các hộ dân ở thôn Phú Thụy, xã Phú Thị”, văn bản này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong đơn đơn kiến nghị của bà Thúy và các hộ dân thôn Phú Thụy cho rằng, văn bản số 68 của UBND TP.Hà Nội đã nêu sai bản chất vấn đề. Bởi báo cáo này có ý rằng người dân nhận tiền và không nhận đất dịch vụ. Nhưng cả người dân và UBND huyện Gia Lâm đều khẳng định, các hộ dân chưa nhận tiền đền bù, bồi thường. “Chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ vào cuộc kiểm tra toàn diện, độc lập, minh bạch để trả lại quyền lợi hợp pháp cho công dân”, đơn của bà Thúy và các hộ dân bày tỏ.

Phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) khẳng định, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có nguyên tắc người bị thu hồi phải có cuộc sống bằng, tốt hơn trước khi di dời. Đại biểu cho rằng, điều này rất nhân văn, và hoàn toàn khả thi, bởi để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí. “Có người sống ở ven sông, thu nhập đang tốt nhưng di dời vào đất liền làm vườn nuôi trồng có thể thu nhập không bằng nhưng cuộc sống lại ổn định hơn, con cái được đi học…” Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu ví dụ.