Bích Ngọc ·
31 tuần trước
 9061

Đến MBBank gửi tiết kiệm, khách được tư vấn mua bảo hiểm: Khó đòi lại tiền?

Câu chuyện về khách hàng tố nhân viên tư vấn không trung thực, tư vấn sai và không đầy đủ là chủ đề nóng, gây bức xúc dư luận thời gian qua và việc khách hàng đến ngân hàng gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành bảo hiểm nhân thọ sẽ vẫn là một vấn đề gây nhức nhối khi chưa được giải quyết một cách triệt để.

Có hay không việc cố tình “giăng bẫy” lãi suất cao?

Được biết, bà P.T.T (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có phản ánh việc bị mất tiền do tham gia bảo hiểm nhân thọ của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life).

Theo bà T, vào tháng 1/2022, mục đích ban đầu của bà khi đến phòng giao dịch Tân Mai, chi nhánh Thăng Long, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank)là để gửi tiết kiệm 30 triệu đồng. Điều đáng nói là, bà T lại được nhân viên tư vấn tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhân viên này tư vấn răng tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ vừa giữ được tiền lại được lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm. Sau đó, vì nghe lời tư vấn, bà T đã rút số tiền ban đầu định gửi tiết kiệm để tham gia gói bảo hiểm nhân thọ.

Mấy ngày sau đó, bà T nhận được Hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life), tên sản phẩm là “Kiến tạo tương lai”.

Bà T cho rằng, về các khoản phí trong hợp đồng bảo hiểm khó hiểu và không như hình dung ban đầu được tư vấn. Được biết, công ty bảo hiểm đã chia số tiền 30 triệu đồng của bà ra đóng cho 2 loại phí là, trong đó, phí bảo hiểm định kỳ 15,1 triệu đồng/năm và phí bảo hiểm đóng thêm lần đầu 14,9 triệu đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Bà T cũng cho biết, khi nghe tư vấn bà không biết số tiền phí bảo hiểm đóng thêm sẽ được MB Ageas Life đầu tư vào Quỹ MBAL tăng trưởng mà phải sau khi nhận được hợp đồng bà mới biết. Lúc được tư vấn, bà cũng đã thông báo với nhân viên tư vấn đang bị bệnh nền nhưng nhân viên tư vấn cho biết không sao, cũng không hỏi lại, không kiểm tra lại sức khỏe cho bà và tự điền các thông tin sức khỏe của bà vào hồ sơ. 

Vậy có thể nói trong lúc tư vấn, nhân viên ngân hàng đã tư vấn không kĩ để khách hàng hiểu hết dịch vụ. Có thể nói, khi quyết định mua gói bảo hiểm nhân thọ mà nhân viên ngân hàng tư vấn thì bà T vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về bảo hiểm nhân thọ, thậm chí còn mơ hồ về những khoản phí.

Bà T sau đó đã không đồng ý với khoản phí bảo hiểm đóng thêm và yêu cầu các nhân viên tư vấn rút lại số tiền này thế nhưng nhân viên lại tiếp tục tư vấn rằng bà không nên rút tiền mà để lại để “lấy lãi suất cao”.

Không đồng ý với lời tư vấn trên, bà đã gọi đến Tổng đài Bảo hiểm MB Ageas Life để phản ánh thì được trả lời là phần phí đóng thêm không liên quan đến phí đóng bảo hiểm định kỳ, khách hàng có thể rút tiền hoặc để lại để đóng phí bảo hiểm định kỳ cho năm sau.

Bà T đề nghị rút số tiền phí đóng thêm ra làm sổ tiết kiệm riêng. Thế nhưng nhân viên vẫn tư vấn cho bà hãy để lại để hưởng lãi suất cao, năm sau chuyển thành tiền đóng phí bảo hiểm định kỳ.

Sang đến tháng 1/2023, bà T ra gặp nhân viên tư vấn và đề nghị chuyển phần phí đóng thêm để đóng phí định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, bà T lại tiếp tục được tư vấn giữ lại để “lấy lãi suất cao”.

Lần này bà T nhất quyết không đồng ý và đề nghị rút tiền nhưng cũng không được do vẫn chưa đến thời hạn.

Sau nhiều lần yêu cầu, bà T cuối cùng cũng được nhân viên tư vấn hướng dẫn cho rút tiền. Vào ngày 21/4/2023, qua tài khoản bà T nhận được số tiền 12,5 triệu đồng. Số tiền bà T nhận về lúc đó thiếu 2,4 triệu đồng so với phần tiền gốc đóng thêm và không có lãi tiền gửi thêm. Nhân viên tư vấn và Tổng đài cho hay là bà T đã rút tiền sớm nên không có tiền lãi. Còn nguyên nhân không nhận đủ tiền gốc đóng thêm nhân viên tư vấn cho biết tiền này như bỏ vào để đầu tư mua vàng (giá lúc tăng, lúc giảm), do đó phải chấp nhận rủi ro.

Bà T cho biết, vì tin lời tư vấn lãi suất cao nên bà đã tham gia bảo hiểm và  lúc đó bà không biết tiền của bà sẽ bị đầu tư vào quỹ và phải tự chấp nhận rủi ro.

MB Ageas Life nói sao?

Về sự việc này, MB Ageas Life cho biết ngay sau khi nhận được khiếu nại của khách hàng là bà T, công ty đã có văn bản trả lời chính thức.

Theo đó, MB Ageas Life xác nhận, đã thực hiện yêu cầu rút 100% giá trị tài khoản Quỹ của khách hàng theo Đơn yêu cầu thay đổi thông tin hợp đồng Kiến tạo tương lai ngày 10/04/2023 với số tiền là 12,5 triệu đồng.

Theo văn bản của MB Ageas Life, bà T đang tham gia sản phẩm bảo hiểm Kiến tạo tương lai, đây là sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị trọn đời đóng phí định kỳ. Bà T được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư ròng và chấp nhận mọi rủi ro đầu tư. Chính vì MB Ageas Life không thể thực hiện hoàn trả số tiền chênh lệch giữa số tiền bà T thực nhận và số tiền đã đóng cũng như lãi suất theo yêu cầu của bà.

MB Ageas Life cho biết, khi tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, chuyên viên tư vấn bảo hiểm đã được đào tạo, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và đào tạo về sản phẩm bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời MB Ageas Life cho hay, nếu ban đầu khách hàng có thể chưa được tư vấn đầy đủ hay chưa rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm thì sau đó khách hàng đã được tiếp nhận đầy đủ thông tin để hiểu rõ việc khách hàng thực chất đang tham gia bảo hiểm nhân thọ và có quyền từ chối tham gia bảo hiểm trong thời gian cân nhắc (21 ngày) nếu khách hàng không có nhu cầu về sản phẩm này.

Vậy tại sao dù đã khẳng định chuyên viên tư vấn bảo hiểm đã được đào tạo, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và đào tạo về sản phẩm bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật nhưng MB Ageas Life vẫn nói đến trường hợp khách hàng chưa được tư vấn đủ, chưa rõ ràng và có thể hủy nếu không có nhu cầu trong thời gian cân nhắc? Nếu đã được đào tạo ấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và đào tạo về sản phẩm bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ không để xảy ra sai sót “tư vấn chưa đủ, chưa rõ ràng”.

Bà Tuyết khẳng định sau khi thấy Hợp đồng bảo hiểm có vấn đề bà đã khiếu nại trực tiếp qua nhân viên tư vấn và Tổng đài nhưng đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng.

Bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng

Theo Luật sư Vi Văn Diện (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, sản phẩm bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng thực chất là hãng bảo hiểm mượn uy tín và mạng lưới của hệ thống ngân hàng để bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Trước đây, khi khách hàng đến ngân hàng chỉ sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như gửi tiền, vay vốn, mở thẻ, chuyển tiền…), khi có bancassurance khi tới ngân hàng, khách hàng còn được giới thiệu, tư vấn, chào mời mua bảo hiểm. Sự việc sẽ đi quá giới hạn và dễ xảy ra xung đột khi nhân viên ngân hàng vì một lý do nào đó đã chào mời, tư vấn cho khách hàng bằng các lời nói không thực sự trung thực về một sản phẩm, dẫn tới khách hàng hiểu sai bản chất thực sự của sản phẩm dẫn tới “mua nhầm”, đặt bút ký nhưng không hiểu rõ nội dung bên trong. 

Với khoảng thời gian ngắn và cũng không phải chuyên gia về pháp lý nên rất nhiều khách hàng chỉ chú ý vào những thuộc tính nổi bật tích cực mà nhân viên ngân hàng giới thiệu, không lường trước hết những điều khoản lợi/thiệt cho đến khi muốn dừng lại thì đã quá muộn. 

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) làm ăn ra sao?

Dựa vào báo cáo tài chính bán niên 2023 cho thấy, tính đến thời điểm 30/6, tổng tài sản của MBB đạt 806.238 tỷ đồng, so với đầu năm tăng gần 11%. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,5% (lên mức 518.071 tỷ đồng).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Chất lượng tín dụng của ngân hàng này lại đi xuống rõ rệt, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này cũng theo đó tăng mạnh lên 1,44% vào cuối quý 2.

Tại ngân hàng này, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) đã tăng hơn 86% so với đầu năm (lên mức 2.826 tỷ đồng). Nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng gấp 2,3 lần đầu kỳ (lên mức 2.783 tỷ đồng). Thế nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) so với đầu năm đã giảm hơn 18% (xuống còn 1.872 tỷ đồng).

Trong năm 2022, nợ nhóm 5 của MB đã ghi nhận mức tăng đột biến gấp 2,8 lần (lên cao kỷ lục 2.293 tỷ đồng). 

Được biết, MB ghi nhận thu nhập lãi thuần quý 2 đạt 9.481 tỷ đồng (tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái). Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều tăng trưởng mạnh 226% và 122% so với cùng kỳ. MB cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động khác đạt 629 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ năm trước).

So với cùng kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MB giảm 15% (xuống mức 861 tỷ đồng). Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của nhà băng này cũng giảm 31% so với quý 2 năm ngoái (đạt 325 tỷ đồng). Thu nhập góp từ góp vốn mua cổ phần giảm mạnh 72% so với cùng kỳ (xuống còn hơn 33 tỷ đồng).

Được biết, trong quý 2 MB lãi trước thuế 6.223 tỷ đồng sau khi trừ đi các chi phí hoạt động (tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái). Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 12.735 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ 2022). Qua đó, MB đã thực hiện gần 49% kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý các ngân hàng cũng cần vào cuộc thanh tra. Nếu chỉ có cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm là Bộ Tài chính thanh tra các công ty bảo hiểm sẽ không thể phát hiện đầy đủ các sai phạm do nhân viên ngân hàng thường là người tiếp cận khách hàng đầu tiên và nếu có việc cố ý tư vấn sai hay tư vấn không đủ ý để khách hàng mua bảo hiểm thì xuất phát là từ phía ngân hàng.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6892346730825024/?