Bích Ngọc ·
20 tuần trước
 9514

Nghị định 08 sẽ hết hiệu lực: Doanh nghiệp bất động sản “đứng ngồi không yên”

Từ giữa năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu (TP) riêng lẻ liên tục giảm, tuy nhiên đã có sự cải thiện trở lại kể từ khi Nghị định 08/NĐ-CP (NĐ08) và một số động thái từ NHNN cho thị trường.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng sự cải thiện này sẽ không kéo dài, nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện đang “đứng ngồi không yên” khi một số điều khoản quy định về “tạm nới” đối với TPDN của NĐ08 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay và theo dự kiến sẽ không được gia hạn thêm thời gian.

Theo một báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) gần đây, các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang cố gắng kéo dài thời gian để thực hiện tái cấu trúc nợ, qua hoạt động phát hành, mua lại TPDN và đàm phán gia hạn đáo hạn. Quý 4 năm 2023 này, áp lực TPDN đáo hạn rơi vào khoảng 57.000 tỷ đồng, đã trừ các khoản mua lại (trong đó bất động sản chiếm khoảng 47%).

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Nhìn vào thống kê mới nhất từ CTCK Yuanta, trong năm 2024 lượng TPDN đáo hạn tương đối lớn với hơn 297.000 tỷ đồng đã tới hạn, trong đó nhóm bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn (với khoảng 123.000 tỷ đồng tới hạn).

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gặp những khó khăn, việc đáo hạn chỉ giúp họ có thời gian ổn định lại để phục hồi sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ, còn thực tế là chuyển nợ sang thời điểm khác.

Trong thời gian qua, nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn được tổ chức để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bày tỏ lo lắng khi khó khăn chồng chất, ngày đáo hạn đang tới gần nhưng khả năng thanh toán lại thấp.

Các tổ chức đánh giá, sau khi NĐ08 được ban hành thị trường TP đã có một số tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, nỗi lo áp lực đáo hạn vẫn “ám ảnh” doanh nghiệp bất động sản ít nhất là tới năm 2026.

Về ngắn hạn, nhìn nhận sự phục hồi của thị trường TP thời gian tới, CTCK VNDirect cho rằng dù áp lực đáo hạn TPDN có thể giảm đáng kể vào cuối năm nay và quý 1 năm 2024 nhưng sau đó sẽ tăng mạnh trở lại vào quý 2 năm 2024. Cũng theo CTCK ACBS, kênh huy động vốn từ TPDN (chiếm tới 30% vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản) hiện đang bị đóng băng và chưa có giải pháp hữu hiệu thực sự mang tính đột phá để giải quyết.

Các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn mới khó khăn và áp lực thanh toán lớn dần khi TP đến kỳ đáo hạn.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết NĐ08 sắp hết hiệu lực và sẽ quay lại áp dụng NĐ65 (dự kiến ngày 31/12/2023). Điều 3 NĐ08 quy định ngưng hiệu lực thi hành đối với một số quy định của NĐ65, gồm: việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; về thời gian phân phối TP của từng đợt phát hành và về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành TP.

Việc dừng gia hạn một số quy định tại NĐ08 vào thời điểm này đã phù hợp?

Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, NĐ08 chỉ là giải pháp tình thế, tạo điểm tựa cho thị trường TP vượt qua khủng hoảng và trong giai đoạn này không thể thúc đẩy thị trường TP tăng trưởng nhanh ngay.

Cần giải quyết một cách triệt để các vấn đề của thị trường thì doanh nghiệp bất động sản mới có thể hấp thụ các nguồn vốn mới. Qua đó, thị trường TPDN nói riêng và thị trường vốn nói chung đang suy yếu sẽ có cơ hội khỏe lại, phục hồi niềm tin từ nhà đầu tư. Thêm vào đó, việc tháo gỡ khó khăn về chính sách, cơ chế để đa dạng các nguồn tài chính như vốn tín dụng, TPDN, quỹ đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp nước ngoài, là rất quan trọng để giúp doanh nghiệp và thị trường bất động sản phục hồi.

Cần có sự rà soát ngay từ bây giờ NĐ08. Theo đó, cần xác định sẽ tiếp tục áp dụng điều gì và cái gì sẽ không áp dụng để quay lại áp dụng NĐ65. Riêng đối với những TP đã phát hành dựa trên chuẩn cũ của NĐ153, nay nếu áp chuẩn mới cần cân nhắc bởi ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến việc thanh khoản những TP này.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7184201438306217/?