Bích Ngọc ·
1 năm trước
 7600

Người mua trái phiếu có nhận lại được tiền khi doanh nghiệp giải thể?

Sau thông tin CTCP Đầu tư Revital Việt Nam đang nợ gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu và tiến hành thủ tục giải thể đã làm người mua trái phiếu hoang mang và lo lắng, từ đó dấy lên câu hỏi người mua trái phiếu liệu có nhận lại được tiền khi doanh nghiệp bị giải thể?

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông tin, hiện CTCP Đầu tư Revital Việt Nam đang còn lưu hành một lô trái phiếu đang niêm yết với tổng giá trị 1.155 tỷ đồng với mã REV.Bond.2018.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Lô trái phiếu trên được phát hành ngày 17/9/2018 với kỳ hạn 7 năm (tức đáo hạn ngày 17/9/2025). Lãi suất được cố định ở mức 4%/năm với kỳ trả lãi mỗi 3 tháng. Được biết, đơn vị  làm tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu trên là CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI).

Đáng chú ý, theo cập nhật trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, hiện Đầu tư Revital Việt Nam đang làm thủ tục giải thể.

Vậy trái chủ của gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu được phát hành bởi CTCP Đầu tư Revital Việt Nam liệu có cơ hội nhận lại được tiền gốc và lãi?

Các chuyên gia pháp lý cho biết, theo quy định hiện hành, điều kiện để doanh nghiệp được phép giải thể là khi doanh nghiệp đó bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp, theo thứ tự pháp luật quy định các chủ nợ sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản nợ.

Theo quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành, trái phiếu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên được phát hành bởi, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

Có thể nói, trong trường hợp này, về nguyên tắc, CTCP Đầu tư Revital Việt Nam chỉ đủ điều kiện làm thủ tục giải thể khi có thể đảm bảo thanh toán hết nợ trái phiếu cho các trái phiếu.

Trái chủ ra sao khi doanh nghiệp phá sản?

Không giống với trường hợp doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán thì sẽ bị tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.

Đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, theo Điều 54 Luật Phá sản 2014, khi doanh nghiệp phá sản, phân chia tài sản được quy định theo thứ tự như sau:

- Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

+ Chi phí phá sản;

+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Có thể thấy, khác với trường hợp doanh nghiệp giải thể, một doanh nghiệp khi phá sản, các trái chủ sẽ chỉ được thanh toán khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp sau khi tài sản của doanh nghiệp đã được dùng để đảm bảo cho 3 nghĩa vụ nợ khác.

Trường hợp sau khi đã đảm bảo 3 nghĩa vụ nợ mà tài sản của doanh nghiệp phá sản vẫn không đủ để thanh toán cho nghĩa vụ nợ ở hàng ưu tiên cùng với trái phiếu thì khi đó từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 51.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2023.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, đây là một con số không hề nhỏ, nhưng cũng không phải quá lo ngại, không những thế còn có mặt tích cực. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp trong nước đang tái cấu trúc và sẵn sàng cho bước phát triển mới.

Theo ông Thịnh, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường  đến cuối năm sẽ tăng lên. Những doanh nghiệp đã xin ngừng hoạt động ở khoảng thời gian này cũng có thể sẽ "hồi sinh".

Niềm tin này không phải không có cơ sở, được biết từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế thế giới, lạm phát giảm nhanh, lúc đó, giá cả hàng hóa khi chúng ta nhập về sẽ ổn định hơn.

Tạ Ngọc