Bích Ngọc ·
32 tuần trước
 10590

Nhà đầu tư có nên "xuống tiền" khi doanh nghiệp chào lãi trái phiếu 12 - 15%/năm?

Việc doanh nghiệp huy động trái phiếu lãi cao khiến nhà đầu tư cảm thấy do dự và cảm thấy có điều “bất thường”. Tuy vậy, các chuyên gia lại cho rằng để đánh giá lãi suất trái phiếu, cần tính đến rất nhiều yếu tố (tổ chức phát hành, ngành nghề, tính thanh khoản, tài sản đảm bảo…).

Tại Hội thảo về Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (do FiinRatings tổ chức), các chuyên gia của FiinGroup, FiinRatings và Công ty CP Quản lý quỹ PVI (PVIAM) đã đưa ra đánh giá về vấn đề được quan tâm nhất hiện nay, đó là lãi suất trái phiếu.

Khi lãi suất huy động của ngân hàng hiện nay đang liên tục hạ nhiệt thì nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản lại chào bán trái phiếu với mức lãi suất khá cao (lên tới 12-15%). Có thể nói điều này phần nào phản ánh sự trở lại của trái phiếu doanh nghiệp như một kênh đầu tư tiềm năng, tuy nhiên cũng khiến không ít nhà đầu tư đặt ra nghi vấn về “tính bất thường” của thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Về vấn đề này, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng giám đốc PVIAM trích dẫn triết lý đầu tư “high risk - high return” (rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao), bà cũng cho biết để đánh giá lãi suất trái phiếu, cần xét rất nhiều yếu tố, trong đó gồm rủi ro và sức khỏe tài chính tổ chức phát hành, ngành nghề, tính thanh khoản, tài sản đảm bảo...

Theo bà Giao, lãi suất tại một thời điểm không phản ánh quá nhiều tổng thể sức khỏe của doanh nghiệp hay thị trường và không phải doanh nghiệp huy động lãi suất cao là có “vấn đề”.

Đại diện PVIAM cho hay, với doanh nghiệp bất động sản sau khi huy động vốn có thể thu về lợi nhuận 30-40% thì mức lãi suất 14-15%/năm là không cao. Thậm chí, họ có thể chấp nhận mức lãi suất 20%/năm.

Với ngân hàng, đây là định chế tài chính đặc biệt và chịu quản trị rủi ro từ Ngân hàng Nhà nước vì vậy khả năng mất vốn của khi đầu tư vào dòng trái phiếu này cũng sẽ thấp hơn. Chính vì thế, lãi suất 5-7%/năm cũng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup kiêm Tổng Giám đốc FiinRatings cũng cho rằng đối với thị trường trái phiếu, không thể đòi hỏi tất cả đều có lãi suất dưới 9% hay 10%/năm như chỉ đạo. Thực tế, trong quý I/2023, mức lãi suất bình quân của trái phiếu doanh nghiệp là 9%/năm, nhưng cũng có lô trái phiếu chào lời lên đến 14-15%/năm.

Ông Thuân cho biết, khi kinh doanh ai cũng muốn lãi suất rẻ. Tuy vậy, trong một số lĩnh vực, một dự án, doanh nghiệp vẫn chấp nhận vay lãi suất cao.

Theo ông Thuân, đối với các doanh nghiệp địa ốc, bình quân chi phí vốn dự án bất động sản dân cư chỉ chiếm 5-7% trên tổng đầu tư. Trong khi đó, biên lợi nhuận ngành này lên đến 30-40%, có dự án lên đến 50-60%. Như vậy, không nhất thiết lầ phải vay lãi suất thấp thì các doanh nghiệp địa ốc mới có lãi.

Về vấn đề đầu tư trái phiếu, ông Lê Hồng Khang - Giám đốc phân tích FiinRatings chỉ ra một thực trạng rằng, thường thì nhà đầu tư chỉ quan tâm đến tổ chức phát hành, trong khi đó mục đích phát hành cũng là một yếu tố quan trọng. Có trường hợp doanh nghiệp làm ngành này nhưng phát hành trái phiếu để làm dự án cho ngành khác thì nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao 15% cũng là bình thường.

Bà Trịnh Quỳnh Giao cho rằng, các nhà đầu tư tổ chức sở hữu đội ngũ phân tích chuyên nghiệp do đó có thể tự đưa ra chiến lược đầu tư, còn các nhà đầu tư cá nhân lại khó có thể đánh giá mức độ an toàn của trái phiếu để quyết định “xuống tiền”. Bà Giao đưa ra lời khuyên đối với các nhà đầu tư cá nhân là nên thông qua cố vấn tài chính chuyên nghiệp, qua quỹ khi đầu tư.

FiinRatings cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu 8 tháng đầu năm nay là 140.000 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ có đến 90%. Quy mô phát hành trái phiếu tiếp tục ảm đạm, nguyên nhân là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, khẩu vị rủi ro nhà đầu tư thay đổi cùng với nhu cầu vốn của doanh nghiệp thấp hơn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6875799395813091/?