Bích Ngọc ·
43 tuần trước
 8960

Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife - 4 ông lớn bảo hiểm bị thanh tra hàng loạt sai phạm đang bán bảo hiểm qua ngân hàng nào?

Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Bộ Tài chính cho biết, còn nhiều sai phạm trong việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng. Cũng theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng thời gian qua có sự tăng trưởng nhanh, tuy vậy đã có tình trạng khi khách tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng, nhân viên của một số ngân hàng đã giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trong năm 2022, các đơn vị liên quan đã được lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tiến hành thanh tra hoạt động này tại 04 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Qua thanh tra, Bộ Tài chính cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng vẫn còn nhiều sai phạm, trong đó đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Bốn hành vi vi phạm điển hình của các doanh nghiệp bảo hiểm kể trên như:

Một là không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp.

Hai là không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm khiến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm. 

Ba là cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin. 

Bốn là không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Bộ Tài chính cho hay, những hành vi sai phạm trên sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Bộ Tài chính cũng cho biết, căn cứ kết quả thanh tra, Bộ sẽ yêu cầu 04 doanh nghiệp bảo hiểm phải tăng cường công tác quản lý, giám sát và chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife bán bảo hiểm qua ngân hàng nào?

  1. Prudential

Prudential là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và được thành lập tại Việt  Nam với lĩnh vực hoạt động là kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, kinh doanh tái bảo hiểm, quản lý quỹ, đầu tư vốn theo quy định pháp luật. 

Kết quả thanh tra năm 2021 và các thời kỳ có liên quan cho thấy, Prudential đã triển khai bán bảo hiểm thông qua 7 ngân hàng là: VIB, MSB, PVcombank, SeABank, Standard Chartered, Vietbank, United Overseas (UOB), Shinhan Việt Nam. Được biết, các đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Prudential (Việt Nam) áp dụng những yếu tố tính phí bảo hiểm không chính xác theo cơ sở kỹ thuật và biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn khiến tính toán không chính xác về số tiền phí bảo hiểm của 112.209 hợp đồng bảo hiểm thuộc sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ với số tiền giảm dần (Bảo Tín Hưng Gia) khai thác qua Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Shinhan Việt Nam.

Vào năm 2021, Công ty này đã nhận được 1.799 thông tin khiếu nại của khách hàng liên quan đến các hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh bancass. Qua công tác điều tra, xử lý thông tin khiếu nại từ khách hàng, Công ty đã phát hiện vi phạm của 10 đại lý bảo hiểm và 25 nhân viên ngân hàng trong hoạt động đại lý.

  1. Sun Life

Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam cũng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, vào năm 2021, Công ty đã triển khai bán bảo hiểm thông qua 2 ngân hàng đó là ACB và TPBank.

Kết quả thanh tra cho thấy, các quy trình, quy chế do Sun Life ban hành chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ACB và TPBank. Đồng thời, Sun Life cũng chưa thực hiện phối hợp, đối soát giữa các bộ phận về thông tin phản ánh, khiếu nại đầy đủ. Theo đó, việc kiểm tra, xác minh thông tin phục vụ giải quyết khiếu nại chưa đầy đủ theo quy trình…

Đối với sai phạm của đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng trong quá trình triển khai bán bảo hiểm, còn có trường hợp Sun Life để người khác ký thay bên mua bảo hiểm hoặc ký thay bên mua bảo hiểm trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm lập qua ứng dụng SunSmart, ký thay bên mua bảo hiểm tại biên nhận bàn giao hợp đồng bảo hiểm…

  1. MB Ageas

Các sai phạm cũng khá tương tự như trên với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas. Năm 2021, Công ty này bán bảo hiểm thông qua 2 tổ chức tín dụng đó là ngân hàng MB và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit).

Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, những quy trình, quy chế do MB Ageas ban hành chưa có quy định xử lý kỷ luật đối với cá nhân là nhân viên thuộc đại lý tổ chức là ngân hàng MB. Bên cạnh đó, quy trình quản lý, đánh giá lực lượng bán hàng qua kênh bảo hiểm – ngân hàng chưa có chốt kiểm soát giám sát lại các đầu mục công việc cấp quản lý cần thực hiện, cơ chế giám sát báo cáo chưa được quy định cụ thể, chưa xây dựng các tiêu chí mang tính định lượng liên quan đến công tác quản lý chất lượng nhằm đánh giá mức độ hoàn thành công việc của cấp quản lý. Quy trình tuyển dụng, đào tạo đại lý chưa có bước đối soát với ngân hàng về danh sách nhân viên tham gia đào tạo trước khi tổ chức đào tạo.

Theo đó, về các sai phạm trong quá trình triển khai bán bảo hiểm của đại lý, báo cáo chỉ ra là có những đại lý chưa thực hiện đúng quy định của MB Ageas về: hướng dẫn khách hàng điền thông tin, kê khai hồ sơ; về gặp mặt, giám sát khách hàng ký hồ sơ, tài liệu; để cho người khác sử dụng mã số đại lý của mình hoặc sử dụng mã số đại lý của người khác để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm; sử dụng biên lai thu phí, chậm bàn giao hợp đồng bảo hiểm…

  1. BIDV Metlife

Trong năm 2021, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife đã triển khai bán bảo hiểm thông qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Trong năm này, doanh thu phí bán bảo hiểm qua BIDV đạt hơn 1.553 tỷ đồng (tương ứng 99,2% tổng doanh thu phí).

Kết quả thanh tra cho thấy, các quy trình do Công ty ban hành quy định các nội dung liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm nói chung và đại lý bảo hiểm thuộc kênh phân phối qua BIDV đáp ứng quy định pháp luật. Thế nhưng, quy trình đào tạo và tư vấn bảo hiểm lại chưa có quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền về nhiệm vụ, quyền hạn của từng cá nhân, bộ phận và cơ chế phối hợp giữa các cá nhân, các bộ phận trong việc triển khai từng hoạt động theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Ngoài các sai phạm nói trên, cả 4 công ty bảo hiểm trên đều hạch toán các khoản chi phí liên quan là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021. Theo Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm thì cách làm này chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế.

Tổng số tiền mà 4 doanh nghiệp này hạch toán chưa đúng như sau: Prudential (Việt Nam) là 740,3 tỷ đồng, Sun Life là gần 600,5 tỷ đồng, BIDV Metlife là hơn 174,2 tỷ đồng, MB Ageas là gần 6 tỷ đồng.

Trong năm 2023, ngoài việc khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho hay, sẽ phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6593152280744472/?