Vào ngày 15/1 tới đây, Quốc hội sẽ họp bất thường để xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Tuy nhiên, dự thảo luật này hiện vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi, điển hình là quy định về giới hạn cấp tín dụng.
Theo đó, tại Điều 136, dự thảo luật có nêu: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại” và “tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại”, lần lượt giảm mạnh so với mức 15% và 25% của luật hiện hành.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Các chuyên gia cho hay, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ bị tác động lớn bởi việc cắt giảm đột ngột dòng tín dụng. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn hoạt động theo mô hình holding, công ty mẹ - con thường có nhiều dự án cùng triển khai, mỗi dự án đều có nhu cầu đi vay vốn. Trường hợp các công ty thành viên cùng vay 1 ngân hàng thì lượng vốn được vay sẽ rất thấp, buộc doanh nghiệp phải chia nhỏ nhu cầu để đi vay hoặc phải thu xếp vay từ nhiều ngân hàng cho 1 dự án mới đáp ứng nhu cầu.
Theo luật sư Trần Minh Pháp - Công ty Luật TNHH Passio Lawyers, đây là việc không dễ dàng do chính sách cấp tín dụng, khẩu vị rủi ro giữa các tổ chức tín dụng là không giống nhau.
Việc giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng cũng sẽ kéo theo một lượng vốn sẽ bị cắt giảm trên thị trường, trong bối cảnh các doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và việc suy thoái kinh tế toàn cầu giờ sẽ lại càng khó khăn hơn vì không đủ vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng các doanh nghiệp đang rất khát vốn để phục hồi và phát triển, đặc biệt là khi kênh trái phiếu lâm vào bế tắc và cần thời gian dài để có thể sôi động trở lại.
Trong khi đó, nước ta cũng đang trong giai đoạn cần khuyến khích các tập đoàn đa ngành mạnh để có thể cạnh tranh với thế giới. Sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tàu sẽ bị kìm hãm nếu kênh dẫn vốn chính bị thu hẹp, từ đó hạn chế lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Về rủi ro khi chính sách chỉ tập trung vào an toàn của hệ thống ngân hàng, ông Hiển phân tích, hạn mức cho vay giảm đột ngột sẽ lập tức tác động đến các tập đoàn đa ngành, trụ cột rất quan trọng của nền kinh tế, vì hệ sinh thái bao gồm nhiều công ty. Hiện đang là giai đoạn cạnh tranh, các tập đoàn vừa phải có độ lớn vừa cần có độ sâu, phải có ngành mới, lĩnh vực mới, do đó không thể đứng góc độ này mà không không nhìn góc độ kia trong phát triển.
Bên cạnh đó, không chỉ siết mạnh room tín dụng được cấp cho khách hàng, dự thảo luật còn mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan và mở rộng người có quan hệ huyết thống.
Điều này dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Do mối quan hệ hai chiều nên bản thân các ngân hàng cũng chịu áp lực nếu Điều 136 trong dự thảo luật được thông qua.
Theo ông Hiển, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với nghịch lý thừa tiền. Trạng thái tín dụng đang khó mà giờ lại bị đột ngột dừng thì ngân hàng cũng khó chuyển tín dụng qua khách hàng mới. Quy định quá chặt sẽ làm khó các ngân hàng và cũng làm giảm tính thị trường của ngân hàng thương mại.
Trước đó, cho ý kiến về dự án luật này khi thảo luận tại kỳ họp Quốc hội năm 2023, theo một số đại biểu, ngay ở hiện tại quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay sẽ gây khó khăn cho người đi vay, nhất là các doanh nghiệp vì phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án, các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều; đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về giới hạn cấp tín dụng, việc xác định lộ trình giảm như dự kiến cũng chưa đủ cơ sở.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7282657111793982/?