Cơ quan Chống Biến đổi Khí hậu Copernicus (Copernicus Climate Change Service - C3S) của Liên minh châu Âu công bố, thế giới vừa trải qua một tháng 4 nóng kỷ lục. Tháng 4/2024 vừa qua cũng là tháng thứ 11 liên tiếp trong chuỗi kỷ lục về nhiệt độ. Kể từ tháng 6/2023 trở đi, mỗi tháng đều được xếp hạng là tháng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước. Đây là thông tin kết luận được theo dữ liệu ghi chép lại được của C3S từ năm 1940 và kiểm tra dữ liệu chéo.
Tính đến tháng 4/2024, nhiệt độ trung bình của thế giới đã cao hơn 1,61 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900. Đây là mức cao kỷ lục trong 12 tháng vừa qua.
Mặt đất nứt nẻ vì nắng nóng.
Bên cạnh diễn biến cực đoan về nhiệt độ bầu khí quyển, nhiệt độ mặt nước biển cũng đạt mức cao kỷ lục. Điều này đã khiến các nhà khoa học phải tiến hành điều tra xem liệu có phải những hoạt động của con người chính là nguyên nhân gây ra bùng phát trong hệ thống khí hậu hay không.
Được biết, khí nhà kính thải ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch chính là nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết El Nino tự nhiên trong những tháng gần đây đã làm nước biển phía Đông Thái Bình Dương ấm lên bất thường. Các nhà khoa học đã xác nhận biến đổi khí hậu đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trong tháng 4/2024 vừa qua. Trong đó, phải kể tới đợt nắng nóng gay gắt diễn ra trên khắp toàn cầu.
Hayley Fowler, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Newcastle, Anh cho biết, thế giới đang sắp vi phạm mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015. Cô nhận định rằng, nhân loại đã thua trong trận chiến với khí hậu. Thế giới thực sự phải nghiêm túc giữ cho nhiệt độ Trái đất không nóng lên quá 2 độ C và phải giảm lượng khí phát t hải càng nhanh càng tốt.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015, các quốc gia đã cùng ký kết vào thỏa thuận giữ cho nhiệt độ Trái đất không vượt quá 1,5 độ C. Các nhà khoa học tin rằng, đây là mức nhiệt độ sẽ giúp cho Trái đất không bị nóng lên quá mức, từ đó tránh được những hậu quả nghiêm trọng như nắng nóng gay gắt gây chết người, thiên tai bao gồm hạn hán, lũ lụt... và sự mất cân bằng của hệ sinh thái. Các nhà khoa học cho biết, hiện nay mục tiêu không vượt quá 1,5 độ C đã không thể đạt được trên thực tế nữa nên đã kêu gọi các chính phủ tích cực cắt giảm lượng khí thải carbon nhanh hơn để tránh vi phạm mục tiêu.