Bích Ngọc ·
26 tuần trước
 9902

Trong quý đầu năm nợ xấu ngân hàng tăng cao

Sau diễn biến tích cực vào quý IV/2023, chất lượng tài sản ngành ngân hàng từng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2024. Tuy nhiên, điều này đã không thành hiện thực.

Nợ xấu vẫn tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm nay. Ngay trong quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của phần lớn ngân hàng đều ghi nhận tăng và có đến 2/3 trong số ngân hàng niêm yết là tăng hai chữ số.

Trong năm 2023 theo số liệu của NHNN, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đã tăng gấp đôi từ 2,03% cuối ngoái lên 4,55%. Tuy vậy, vào cuối quý IV/2023, nợ xấu từng ghi nhận sự cải thiện đáng kể khi lần đầu tiên quay đầu giảm trong 8 quý liên tiếp.

Một số công ty chứng khoán, chuyên gia phân tích từng kỳ vọng rằng xu hướng cải thiện về chất lượng tài sản này sẽ được tiếp nối trong năm nay. Tuy vậy, dự báo này đã không thành hiện thực.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Theo dữ liệu ngành của WiChart, trong quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã bất ngờ quay đầu tăng thêm 14% so với cuối năm ngoái (lên 224.010 tỷ đồng). Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý III/2023.

So với cuối năm 2022, nợ xấu toàn ngành đã tăng tận 64%. Đồng thời, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng vọt tăng hơn 10% so với cuối năm ngoái (lên 215.832 tỷ đồng).

Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, số dư nợ xấu của 26/28 nhà băng đã tăng so với cuối năm 2023. Trong đó, số tăng nhiều nhất là MB (tăng 5.489 tỷ đồng), tăng 56% so với cuối năm 2023 và BIDV (tăng 4.632 tỷ đồng) hay tăng 20,7%. VPBank và SHB là hai ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu giảm trong quý vừa qua.

Chứng khoán BSC cho biết, trong quý đầu năm xu hướng nợ xấu tăng trở lại cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản trong quý IV/2023 chỉ mang tính thời vụ. Điều này được xác nhận bởi tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý tăng lên mức 0,5% dù đã giảm liên tiếp ba quý trước đó.

Cùng với đó, BSC cũng nhận thấy tác động CIC trong ngành vẫn gia tăng, ảnh hưởng lớn nhất đến phân khúc bán lẻ và khách hàng lớn, làm cho tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng như HDBank, MSB, MB và VIB đi lên trong quý đầu năm.

BSC kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng được cải thiện rõ hơn về nửa sau với xu hướng tiếp tục sử dụng dự phòng (tăng trích lập) để xử lý nợ. Qua đó dự kiến chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì ổn định trong 2024 so với 2023, nhất là sau khi quy định về tái cơ cấu nợ trong Thông tư 02 đã được gia hạn đến hết năm.

Bộ đệm dự phòng mỏng 

Trong khi nợ xấu liên tục tăng, các ngân hàng lại có tỷ lệ bao phủ nợ xấu có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dự phòng không đuổi kịp mức tăng của nợ xấu.

Nhìn vào số liệu tổng hợp từ 28 ngân hàng, số dư dự phòng rủi ro đạt 194.939 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh ghi nhận vào cuối quý III/2023 (gần 196.000 tỷ đồng).

Sau khi hồi phục nhẹ trong quý cuối năm trước, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý đầu năm nay đã giảm hơn 7 điểm % (xuống còn 87%), đây là mức thấp nhất kể từ cuối quý III/2023. Trong đó, các ngân hàng dẫn đầu về quy mô cho vay như Vietcombank, BIDV, VietinBank hay MB thuộc nhóm có tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm sâu nhất.

Tính đến cuối quý I, chỉ còn 5 nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Cuối năm ngoái, từng có tới 10 nhà băng trên mốc này, trong đó 4 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ vượt 200%.

Báo cáo đầu năm của Chứng khoán SSI cho rằng tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm nay khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Theo dự báo của các chuyên gia phân tích, tỷ lệ nợ xấu cuối năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm 2023 do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7811725108887177/